Tháng cao điểm vì người nghèo”- cần sự chia sẻ của toàn xã hội; Ngoại giao văn hóa vì hội nhập và phát triển bền vững; Áp thấp nhiệt đới đi vào miền Trung, cần đề phòng lũ lớn…là những tin chính trong bản tin thời sự 24 giờ hôm 15-10.
Lãnh đạo Đảng, nhà nước:
Tháng cao điểm vì người nghèo”- cần sự chia sẻ của toàn xã hội
Sáng nay (15/10), tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động tháng cao điểm vì người nghèo (17/10-18/11) năm 2008. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu ý kiến.
Theo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong 9 tháng qua, đã có 104 lượt đơn vị và cá nhân ủng hộ Quỹ Trung ương với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Cũng trong 9 tháng qua, Quỹ Vì người nghèo chi trên 14 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố và các đoàn thể xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị thiên tai; thăm và tặng quà cho các hộ nghèo nhân dịp lễ Tết….
Sau 8 năm phát động, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước tích cực hương ứng. Đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã nhận được 2.286 tỷ đồng; cùng với sự đầu tư của Chính phủ, chính quyền các cấp và của cộng đồng, cả nước đã xây dựng và sửa chữa được 799.683 nhà ở cho người nghèo.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã phát động và triển khai Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với nhiều hình thức phong phú, đạt kết quả thiết thực. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mặc dù công tác xoá đói giảm nghèo, đã được thực hiện có kết quả, nhưng, nước ta vẫn ở trong nhóm các nước đang phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Bên cạnh đó thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra nên tỷ trọng nghèo đói và nguy cơ tái nghèo còn rất cao, rất cần được sự quan tâm của cả Nhà nước cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.
Đối ngoại:
Ngoại giao văn hóa vì hội nhập và phát triển bền vững
Trong hai ngày 15 và 16/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế phục vụ hội nhập và phát triển bền vững”.
Hội thảo đề cập đến những nội dung cơ bản, thiết thực phục vụ cho công tác Ngoại giao Văn hóa trong thời gian tới. Bốn phiên họp được tổ chức chặt chẽ, bàn về các nội dung như: Văn hóa và Ngoại giao văn hóa; Kinh nghiệm của các nước về ngoại giao văn hóa và Thông điệp Ngoại giao văn hóa của Việt Nam; Các biện pháp thúc đẩy Ngoại giao Văn hóa và Cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực. Sau mỗi phiên họp đều có phần tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giaonhấn mạnh: “Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có. Chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới; Việt Nam đang được bạn bè quốc tế khắp năm châu quan tâm và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác. Nhiệm vụ đặt ra cho Ngoại giao Việt Nam hết sức nặng nề, (…) là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, trong số 3 trụ cột: Ngoại giao chính trị, Ngoại giao Kinh tế và Ngoại giao Văn hóa thì Ngoại giao Văn hóa “có vai trò hết sức quan trọng vì nó vừa là nền tảng tinh thần vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam; nó bổ trợ rất hữu hiệu cho các trụ cột khác, tạo thành một chỉnh thế chính sách đối ngoại phát huy tốt nhất sức mạnh dân tộc và kết hợp hiệu quả với sức mạnh thời đại”.
Kinh tế:
Đà tăng đã giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng vọt
Thị trường chứng khoán hôm nay 15/10 tiếp tục có một phiên hồi phục, nhưng đà tăng đã giảm, thậm chí có lúc VN-Index đã quay đầu mất điểm, thế nhưng tổng khối lượng giao dịch thành công đã tăng vọt gấp 3 lần phiên trước. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,82 điểm (+2,01%) lên 397,15 điểm.
Phiên giao dịch hôm nay đã chấm dứt cảnh tranh mua nhưng không có người bán, nhiều nhà đầu tư đã “chịu” bán ra khiến giá cổ phiếu trên sàn tăng chậm lại hoặc quay đầu giảm. Đợt 1, VN-Index tăng 10,53 điểm (+2,7%) lên 399,86 điểm. Đầu đợt 2 khớp lệnh liên tục, lệnh bán tiếp tục tăng mạnh khiến VN-Index đã có lúc mất điểm, nhưng về cuối phiên bên mua “bạo tay” hơn và VN-Index dần lấy lại số điểm đã mất và tiếp tục tăng ngoạn mục.
Đóng cửa thị trường, chỉ số VN-Index tăng 7,82 điểm (+2,01%) lên 397,15 điểm. Có 121 mã cổ phiếu tăng giá, 36 mã giảm giá và 7 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch phiên này tăng vọt lên 24,8 triệu đơn vị, tương đương 752,2 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất đều rơi vào các mã có mệnh giá cao, dẫn đầu là BMC tăng 4.500 đồng lên giá trần 99.000 đồng/cp; tiếp theo là TCT cũng tăng 4.500 đồng lên 96.000 đồng/cp; PVD tăng 4.000 đồng lên 85.500 đồng/cp; FPT tăng trần 3.500 đồng lên 75.000 đồng/cp…
Xã hội:
Áp thấp nhiệt đới đi vào miền Trung, cần đề phòng lũ lớn
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Trưa 15/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên bờ biển các tỉnh Nghệ An–Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7. Sáng 16/10, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh và tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần trên vùng núi Thượng Lào. Vì vậy, vùng ven biển các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá cần đề phòng nước dâng kết hợp với thuỷ triều cao trên 3m. Các tỉnh Trung Trung Bộ từ đêm nay sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Nguyễn Xuân Diệu, các tỉnh cần theo dõi, nắm bắt thông tin các tàu trên biển, huy động các lực lượng địa phương, các tàu bạn trên biển và các lực lượng trong đất liền để tiếp tục tổ chức cứu hộ, cứu nạn cho các tàu bị nạn trên biển. Tiếp tục thực hiện các phương án đối phó với áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ vào đất liền. Đặc biệt lưu ý việc neo đậu tàu thuyền khi đã vào bờ, không để người trên tàu, thuyền, lồng bè và chòi canh nuôi trồng thuỷ sản. Cần lên kế hoạch đối phó với mưa to đến rất to, triển khai các phương án phòng, chống lũ, nhất là các công trình đang xây dựng và sẵn sàng phương án di dân hạ lưu các hồ chứa.
Kinh tế:
Vé tàu Tết Kỷ Sửu 2009: Không bán vé ghế phụ tại các toa giường nằm chuyển đổi
Tổng giám đốc Tổng Công ty (TCT) Đường sắt Việt Nam vừa có chỉ thị yêu cầu các đơn vị thực hiện việc bán vé ghế phụ chỉ thực hiện với các tàu Thống Nhất số chẵn trước Tết và tàu Thống Nhất số lẻ sau Tết và không thực hiện với toa giường nằm đã được bán vé chuyển đổi cho hành khách đi vé ngồi.
Theo đó, mỗi xe ngồi cứng 80 chỗ sẽ được bán thêm 12 vé ghế phụ. Mỗi xe giường nằm không chuyển đổi bán ghế nghồi và xe ngồi mềm 64 chỗ được bán thêm 7 vé ghế phụ. Đối với tàu Thống Nhất số chẵn, tàu SH2 xuất phát tại Sài Sòn từ ngày 15 – 23/1/2009 và các tàu Thống Nhất số lẻ xuất phát tại Hà Nội, tàu SH1 xuất phát tại Huế từ ngày 28/1 đến 6/2/2009 sẽ được bán 10 vé ghế phụ cho hành khách trên toa công vụ.
Theo Ban Kinh doanh Vận chuyển, TCT Đường sắt Việt Nam, việc bán vé tàu Tết Nguyên đán năm nay có nhiều điểm mới so với năm trước. Đó là việc bán vé ghế ngồi chuyển đổi (hành khách mua vé ghế ngồi nhưng được bố trí ngồi trên giường nằm tầng 1) sẽ được thực hiện đối với tất cả các tàu Thống nhất số chẵn xuất phát Sài Gòn từ ngày 15 – 23/1/2009 (tức từ ngày 20 – 28 tháng Chạp Mậu Tý) và các tàu Thống nhất số lẻ xuất phát Hà Nội từ ngày 28/1 đến 6/2/2009 (tức từ ngày mồng 3-12 tháng Giêng năm Kỷ Sửu). Được biết, Tết 2008, không thực hiện bán vé ghế ngồi chuyển đổi đối với tàu SE4.