Tích cực phát huy vai trò của các đoàn thể trong công tác giữ gìn an ninh trật tự

19/06/2024 - 05:23

BDK - Trên cơ sở Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW ngày 1-8-2013, giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trong tình hình mới”, ngày 28-7-2014, Công an tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên ký kết Chương trình phối hợp số 07/CTrPH-CAT-MTTQ. Trong giai đoạn 2023 - 2033, chương trình này đã được thay thế bằng Chương trình phối hợp số 01/CTrPH-CAT-MTTQ, ký kết ngày 25-1-2024 cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ An toàn cho phụ nữ và trẻ em xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm.

Công tác tuyên truyền, vận động

Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, trong 5 năm qua, lực lượng Công an các cấp phối hợp với 3 tổ chức đoàn thể tổ chức trên 20 ngàn cuộc tập huấn, tuyên truyền phòng chống tội phạm (PCTP) và các hành vi phạm pháp luật gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua tại địa phương, có gần 1,5 triệu lượt quần chúng tham dự. Cùng với biện pháp tuyên truyền trực tiếp, Công an và các tổ chức đoàn thể đã tích cực phát huy thế mạnh của tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Một trong những tập thể được đánh giá phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động là Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tân Thạch (Châu Thành). Thực hiện chương trình phối hợp đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) với Công an xã, Hội đã tổ chức phát động phong trào TDBVANTQ và tuyên truyền pháp luật trong cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn xã; phối hợp xây dựng 35 tuyến đường ánh sáng an ninh, với tổng chiều dài trên 12km, lắp đặt 327 bóng đèn, 158 camera an ninh, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện và hỗ trợ lực lượng Công an kiểm soát tình hình ANTT tại địa phương tốt hơn.

Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thạch Phạm Văn Kiếm cho biết: “Trong thời gian qua, Hội CCB xã luôn quan tâm vận động nhân dân, nhất là hội viên CCB gương mẫu, tích cực đi đầu trong phong trào TDBVANTQ. Chúng tôi duy trì, nâng chất các mô hình đã xây dựng từ trước đến nay đối với xã. Ví dụ như là mô hình liên kết tứ trụ, cử cán bộ, hội viên tham gia tổ nhân dân tự quản, tuyến đường an ninh, camera an ninh…”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng Công an và 3 đoàn thể đã chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, các tổ chức nòng cốt tham gia giữ gìn ANTT; trong đó, tập trung duy trì thực hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình trong phong trào TDBVANTQ, mô hình “Dân vận khéo”; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, hội viên các cấp tham gia cùng lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT.

Xây dựng các mô hình

Ngoài ra, 3 tổ chức đoàn thể còn chủ động xây dựng những mô hình mang tính đặc thù với cán bộ, hội viên của từng hội. Với đặc thù về giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp quan tâm thành lập mới các mô hình nhằm hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ và trẻ em.

Tại huyện Giồng Trôm, Hội LHPN huyện đã tích cực triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 28 Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ với pháp luật, 17 CLB phòng chống bạo lực gia đình, 31 CLB phụ nữ với an toàn giao thông, 52 tổ phụ nữ tự phòng tự quản, 8 CLB an toàn cho phụ nữ và trẻ em…

Chủ tịch Hội LHPN huyện Giồng Trôm Võ Thị Thanh Thủy cho biết: “Qua hoạt động của các CLB đã góp phần xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hạn chế gia đình của cán bộ, con em hội viên vi phạm pháp luật, ổn định tình hình ANTT trên địa bàn huyện”.

Tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được xem là nhiệm vụ khó khăn nhất trong công tác phối hợp. Tuy nhiên, với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao, 5 năm qua, lực lượng Công an cùng các cấp Hội đã phối hợp nhận lãnh, cảm hóa, giáo dục 4.064 đối tượng, trong đó 3.005 đối tượng tiến bộ, có việc làm ổn định (đạt tỷ lệ gần 74%); tham gia hòa giải thành 7.316/9.275 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (đạt tỷ lệ gần 80%).

Hội Nông dân xã Tân Xuân (Ba Tri) đã tham gia hòa giải thành công hơn 30 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong 5 năm qua. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn có nhiều đóng góp tích cực trong công tác giữ gìn ANTT tại địa phương, tiêu biểu là 2 mô hình dân vận khéo trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và PCTP đã được tỉnh công nhận. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Xuân Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Trên cơ sở công tác phối hợp hàng năm, Hội Nông dân và Công an xã đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền cũng như xây dựng các mô hình PCTP, góp phần tích cực vào việc đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương. Trong 4 năm qua trên địa bàn xã không xảy ra phạm pháp hình sự’’.

Thượng tá Cao Văn Anh - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh cho biết: “Đấu tranh PCTP, giữ gìn ANTT là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Thời gian qua, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đã được phát huy qua phong trào TDBVANTQ. Trong thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTP, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh; sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên để thúc đẩy phong trào phát triển ngày càng rộng khắp và đi vào chiều sâu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN