Ông T.V.D có nhu cầu tư vấn: Ông A. chết do tai nạn giao thông. Ông Y. là người gây tai nạn đã bồi thường trước cho ông A. 150 triệu đồng chi phí điều trị thương tích. Sau đó, ông A. chết, ông Y. đã thỏa thuận bồi thường thêm 250 triệu đồng để lo mai táng. Tổng cộng tiền bồi thường là 400 triệu đồng. Sau khi ông A. chết thì hai người con của ông phát sinh mâu thuẫn đòi chia di sản thừa kế. Xin hỏi: Tiền bồi thường về tính mạng bị xâm phạm có phải là di sản thừa kế hay không?
Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Điều 649 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Theo luật quy định, cá nhân có quyền sở hữu với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và nuôi dưỡng. Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận.
Mặt khác, Điều 591 BLDS quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau: “1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Theo như thông tin của ông cung cấp, sau khi gây tai nạn ông Y. đã bồi thường trước cho ông A. số tiền 150 triệu đồng chi phí điều trị thương tích. Sau đó, ông A. chết, ông Y. đã thỏa thuận bồi thường thêm 250 triệu đồng để lo mai táng. Tổng cộng tiền bồi thường là 400 triệu đồng. Đối chiếu với quy định tại Điều 591 BLDS, số tiền ông Y. bồi thường về chi phí (cứu chữa, mai táng...) là những khoản tiền bồi thường trực tiếp cho ông A. khi chết nên vẫn là di sản của ông A. để lại.
Trong trường hợp ông A. chết không để lại di chúc thì số tiền nêu trên (400 triệu đồng), sau khi trừ đi các khoản chi phí liên quan đến thiệt hại của ông A., số tiền còn lại được xác định là di sản thừa kế và được chia thừa kế theo pháp luật.
H. Trâm (thực hiện)