Tranh chấp nợ hụi có được pháp luật bảo vệ không?

18/08/2024 - 20:03

Bà N.T.B có nhu cầu tư vấn: Tháng 8-2022, tôi có tham gia một chân hụi tháng 20 triệu đồng, có 20 hụi viên do bà H. làm chủ. Hàng tháng tôi góp đủ tiền cho bà H. theo thỏa thuận. Đến tháng 3-2024 thì bà H. tuyên bố vỡ hụi và bà thừa nhận còn nợ tôi 350 triệu đồng (vốn gốc). Bà H. hứa hẹn nhiều lần nhưng không trả số tiền nợ 350 triệu đồng cho tôi. Hiện bà H. đang quản lý, sử dụng khoảng 2.500m2 đất CLN. Thông qua những người bà con với bà H., tôi biết bà có ý định tặng cho con bà đất này. 

Xin hỏi: Tranh chấp nợ hụi có được pháp luật bảo vệ không? Việc xử lý tài sản của chủ hụi như thế nào?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 25, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19-12-2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm như sau: 1) Trong trường hợp có tranh chấp về hụi, biêu, phường… hoặc phát sinh từ hụi, họ… thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. 2) Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi, họ…

Về nguyên tắc, Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tòa án sẽ ra phán quyết buộc người vay (chủ hụi hoặc thành viên bảo lãnh) nhưng không thực hiện đúng nghĩa vụ phải thanh toán (trả nợ) cho người cho vay (thành viên tham gia chưa nhận tiền góp hụi). Tuy nhiên, do đây là quan hệ “tín chấp”, không có tài sản thế chấp đảm bảo để thi hành bản án của tòa án. Cơ quan thi hành án (THA) phải tiến hành xác minh, truy tìm tài sản của người phải THA để có thể cưỡng chế, kê biên, tổ chức phát mãi tài sản, đối với người có tài sản mà không tự nguyện THA để thi hành bản án. Trường hợp người phải THA không còn tài sản nào khác và không có khả năng thi hành thì việc THA là không khả thi.

Theo nội dung yêu cầu tư vấn của bà thì bà H. đã nhiều lần hứa trả nợ nhưng không thực hiện. Trước hết, bà nên thỏa thuận với bà H. về việc trả nợ cho bà. Nếu thương lượng, hòa giải không thành thì bà có thể khởi kiện bà H. tại tòa án cấp huyện (nơi bà H. cư trú) để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình tòa án thụ lý vụ án để xem xét giải quyết vụ án (hoặc cơ quan THA dân sự thụ lý việc án theo bản án hoặc quyết định của tòa), nếu có căn cứ xác định bên phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bà H.) có hành vi tẩu tán tài sản thì bà có quyền yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án (tòa án hoặc cơ quan THA) ra quyết định ngăn chặn giao dịch hoặc phong tỏa tài sản nhằm để đảm bảo THA.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN