Về xử lý hành vi “siết nợ”, hành hung người thiếu nợ

23/06/2024 - 21:17

Ông N.V.H có nhu cầu tư vấn: Tháng 3-2022, tôi có mượn của ông A 100 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 7 triệu đồng. Đến nay, số tiền lãi tôi trả đã vượt so với nợ gốc. Tôi không có khả năng trả lãi và năn nỉ ông A không lấy lãi nữa và cho tôi được trả dần nợ gốc nhưng ông không đồng ý. Gần đây, ông A đã đến nhà lấy máy Laptop của tôi, chửi và hăm dọa đánh tôi, nếu tôi không trả tiền nợ gốc và lãi cho ông. Xin hỏi: Việc ông A siết nợ, hăm dọa hành hung người thiếu nợ, vậy có bị xử lý gì không; tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Hiện nay, tình trạng người dân vay mượn tiền bên ngoài ngân hàng diễn ra khá nhiều. Thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp vay mượn không có tài liệu, hợp đồng cụ thể, chỉ trên cơ sở thỏa thuận kèm theo lãi suất rất cao và dẫn đến người vay không còn khả năng trả nợ. Người cho vay tiền đã tiến hành đòi nợ bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có những việc làm tiêu cực như uy hiếp, đe dọa hay dùng vũ lực để “siết nợ” lấy tài sản của người vay. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần, xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ.

Trường hợp của ông trình bày, ông A đã thỏa thuận cho ông vay với số tiền 100 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 7 triệu đồng tương đương lãi suất 84%/năm, cao gấp 4,2 lần mức lãi suất cao nhất được hưởng theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự (BLDS) là 20%/năm. Đối với hành vi này, ông A có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định  số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi như: Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của BLDS; không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của BLDS và buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp.

Mặt khác, như thông tin ông cung cấp thì ông A đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần của ông để chiếm đoạt tài sản và còn chửi, đe dọa ông. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi “siết nợ”, ông A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Theo Điều luật này quy định, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 - 5 năm; người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm, nếu thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức hay có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng…

Do vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và sự an toàn của mình, ông cần làm đơn tố giác tội phạm, gửi đến cơ quan Công an (nơi ông cư trú) để được hướng dẫn và giải quyết. Kèm theo đơn trình báo là các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của ông A (như hình ảnh qua dữ liệu điện tử, ghi âm, người chứng kiến và các tài liệu liên quan khác).

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN