Kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2024)

Chung tay xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ

28/06/2024 - 05:22

BDK - Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách… đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.

Tổ chức các hoạt động, phong trào nhằm tuyên truyền, cổ vũ xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Chú trọng công tác gia đình

Đảng và Nhà nước rất coi trọng vấn đề gia đình và lấy ngày 28-6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của gia đình, về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của gia đình trong xây dựng và bồi dưỡng các thành viên có lối sống văn hóa, phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, trong sáng về đạo đức, phong phú về tinh thần. Qua đó, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người; là tế bào lành mạnh của xã hội. Cũng như quan tâm về xây dựng kỹ năng, tổ chức cuộc sống gia đình và mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới; phòng chống bạo lực, tăng cường hiệu quả giáo dục về gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc. Chủ trương này còn vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa kế thừa và phát huy truyền thống gia đình Việt Nam. Đồng thời, xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình, đề ra yêu cầu nhiệm vụ mới trong thời kỳ đẩy nhanh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ, gồm định hướng 10 hệ giá trị cốt lõi: Yêu nước, Nhân ái, Nghĩa tình, Trung thực, Bản lĩnh, Tự cường, Tự trọng, Trách nhiệm, Hợp tác, Sáng tạo. Trong đó, mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ là môi trường quan trọng trong hình thành và giáo dục đạo đức, nhân cách con người, tạo tiền đề để con người phát triển toàn diện.

Hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường, sự phát triển bùng nổ của công nghệ số đã và đang tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội. Nhiều tệ nạn xã hội “tấn công” vào các gia đình, ảnh hưởng lớn đến lối sống, đến việc hình thành nhân cách của con người và các mối quan hệ trong gia đình cũng như xóm giềng bị phai mờ, giá trị tinh thần bị xem nhẹ. Những thay đổi của xã hội đã kéo theo sự thay đổi của gia đình, khiến cho các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Bên cạnh đó, tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội. Bạo lực gia đình có xu hướng tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em.

Bảo vệ “tế bào” xã hội

Những nguy cơ đó đã đặt ra những thách thức để toàn xã hội cần có sự quan tâm thật sự đến việc củng cố, bảo vệ gia đình, bảo vệ từng “tế bào” quan trọng hình thành xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Như vậy, giáo dục gia đình chính là nền tảng để nuôi dưỡng tâm hồn con người, định hình và phát triển nhân cách, cung cấp tri thức và rèn luyện con người... Vì vậy, cần chú trọng xây dựng gia đình và phát huy vai trò của giáo dục gia đình trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình và mỗi cá nhân cần tích cực góp phần trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Đặc biệt, xây dựng chuẩn mực, đạo đức con người Bến Tre ngày càng hoàn thiện. Để từng gia đình là hạt nhân tốt của xã hội, bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội thì vai trò của từng gia đình và các thành viên trong gia đình là hết sức quan trọng và có tính quyết định.

Mỗi gia đình cần chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gia đình ngày càng phát triển bền vững. Chú trọng tạo dựng môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương, bình đẳng và trách nhiệm, tổ chức lối sống gia đình lành mạnh. Các thành viên trong gia đình yêu thương, sẻ chia, gắn kết. Ông bà, cha mẹ nêu gương cho con trẻ học theo, làm theo những điều tốt đẹp.

Các cấp ngành chú trọng tuyên truyền về vấn đề xây dựng giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình nói chung, giáo dục trong mỗi gia đình nói riêng, góp phần vào việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình, cung cấp cho các thành viên gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ về kỹ năng sống, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quan tâm toàn diện hơn nữa đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ.

Tiếp tục phát huy và nhân rộng các phong trào thiết thực, các mô hình, cách làm hay trong công tác gia đình như: Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; câu lạc bộ “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”; câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, gia đình không có người vướng tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, nhất là trẻ vị thành niên. Tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội.

“Trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo hệ giá trị đạo đức mà Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Biểu dương các tấm gương người tốt việc tốt, gia đình tiêu biểu, dần xóa bỏ các tập quán, hủ tục lạc hậu, xây dựng môi trường sinh hoạt cộng đồng thật sự lành mạnh cũng như tham mưu, chỉ đạo giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Việc xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” với 3 tiêu chuẩn: ý thức công dân, đời sống tinh thần (bao gồm yếu tố hạnh phúc, tiến bộ) và đời sống vật chất được tuyên truyền, vận động thực hiện xuyên suốt. Năm 2023, toàn tỉnh có 363.629/379.334 hộ gia đình đăng ký đã đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tỷ lệ 95,86%.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN