Xử lý vi phạm phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

26/10/2020 - 20:00

Chiều 26-10-2020, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tán thành nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tham nhũng và công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu băn khoăn năm qua, các lực lượng chức năng phát hiện 22.105 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn năm trước 38,56% nhưng báo cáo của Thanh tra Chính phủ lại nêu chỉ có 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ngoài khu vực Nhà nước do cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Đặc biệt, số liệu về phát hiện, xử lý tham nhũng của Chính phủ còn khác nhau. Báo cáo của Chính phủ do Thanh tra Chính phủ báo cáo cho thấy, các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can, tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019.

Nhưng báo cáo của Chính phủ do Bộ Công an nêu có 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ, ít hơn 2,49%.

Thắc mắc về việc có một số vụ án nổi cộm thời gian qua không được nêu trong báo cáo của Chính phủ do Bộ Công an trình bày, đại biểu Hà Nội dẫn ra các vụ khởi tố, bắt giam, tạm giam một số lãnh đạo cao cấp thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như đối với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, hay Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai ở Thủ Thiêm.

“Một số lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp lớn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, phát lệnh truy nã, gây khó khăn cho công tác điều tra. Trách nhiệm này thuộc về ai. Vì sao có người liên quan đến các vụ án tham nhũng lớn, gây thất thoát tiền của nhân dân lại có thể trốn tránh được cơ quan điều tra. Hợp tác quốc tế có thực sự hiệu quả đối với những vụ việc này không?” đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tỏ ý băn khoăn.

Đề nghị cần làm rõ ý kiến đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, tham nhũng vẫn tinh vi, phức tạp. Công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, nhưng kết luận sai phạm này còn khó khăn.

“Đề nghị làm rõ ý kiến đánh giá này để có biện pháp hiệu quả. Phải chăng do bao che, can thiệp trái pháp luật hoặc do năng lực cơ quan phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Cái này cần phải có báo cáo, kiểm điểm rõ ràng,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Nêu thắc mắc đối với công tác thi hành án hành chính, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, báo cáo cho thấy còn 446/567 vụ án hành chính liên quan đến trách nhiệm thi hành của UBND, trong khi Phụ lục 8 theo dõi về án hành chính thì không có bất kỳ trường hợp nào bị xử lý.

“Sao không xem xét xử lý trong khi pháp luật quy định rõ sai phạm trong lực lượng này, kể cả xử lý hình sự. Liệu có chuyện cơ quan Nhà nước bao che cho nhau không ?"  

Cũng theo đại biểu này, một số vụ việc kêu oan, bức xúc được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền nhưng dường như không được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Khi thông báo trả lời đại biểu Quốc hội luôn trả lời không có cơ sở hoặc cho rằng không có dấu hiệu tội phạm, trong khi dư luận nêu đầy đủ cơ sở lập luận, chứng cứ rõ ràng. "Tìm cách đưa vấn đề từ dấu hiệu phạm tội sang vấn đề khiếu nại, tố cáo để giải quyết cho nhẹ nhàng," đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phản ánh.

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định Đảng, Nhà nước ta thể hiện quyết tâm rất cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Năm 2020, Ban Chỉ đạo 138 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, chống tội phạm, thi hành án, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

“Chúng ta xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản dưới luật về vấn đề này, đẩy mạnh các mặt phòng ngừa và tiến hành công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Quan điểm là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm. Những vấn đề các đại biểu nêu ra là đều có. Tội phạm lĩnh vực này có dấu hiệu của lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, của sự cấu kết… Chúng ta cũng triệt để điều tra, truy tố, xét xử như thực tế đã diễn ra, vi phạm tới đâu xử lý tới đó, nhưng cũng đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mục tiêu chính là để răn đe tội phạm và xây dựng cơ chế phòng ngừa; thu hồi tài sản tối đa cho Nhà nước,” Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung được nêu trong các báo cáo và cho rằng, báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng. Trong năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có tác động, ảnh hưởng hết sức nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội; tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những kết quả được nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với một số hạn chế, bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu ra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp tục có những giải pháp xử lý.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN