“Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại”

19/06/2020 - 08:20

BDK - Trân trọng giới thiệu bài viết “Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại” của Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi.

Tượng thờ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Ảnh: A. Nguyệt

Tượng thờ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Ảnh: A. Nguyệt

Hòa cùng không khí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua lập thành tích bằng những công trình, phần việc chào mừng các ngày kỷ niệm lớn: 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), 109 năm Ngày Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 -  5-6-2020), 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020), chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 200 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) vào năm 2022 và kỷ niệm 190 năm ngày sinh, 110 năm ngày mất nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830 - 1910), hôm nay, Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại”.

Cũng như nhiều nơi trên cả nước, Bến Tre được mệnh danh là vùng địa linh nhân kiệt. Bởi nơi vùng đất cù lao này đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Dưới triều Nguyễn, Bến Tre có 31 nhà khoa bảng có học vị cử nhân trở lên, đứng thứ hai ở Nam Bộ sau Gia Định, trong đó, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ là người Bến Tre - Đại thần Phan Thanh Giản, nhà bác học Trương Vĩnh Ký... Bên cạnh đó, Bến Tre là nơi ấp ủ hài cốt nhà giáo Võ Trường Toản, nơi tị địa và an nghỉ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu…

Phan Văn Trị là một trong những người con ưu tú của Bến Tre, sinh năm 1830, tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), xuất thân trong gia đình nho giáo, thông minh, hiếu học, thi đỗ Cử nhân khi mới 19 tuổi. Song, không giống như những nho sĩ đương thời, quyết chí thi đậu để làm quan mà Phan Văn Trị lui về dạy học, làm thơ, bốc thuốc, tự tay cày cấy, sống cuộc đời của một nông phu. Phải là một người rất có bản lĩnh và tài năng mới làm được một việc khác thường như thế.

Trong mười năm đầu, đến trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định lần thứ nhất (tháng 2-1859), ông vẫn sống cuộc đời bình dị ở Gia Định, tham gia xướng họa thi ca, bàn luận thế thái nhân tình trong nhóm Bạch Mai thi xã, là nhóm hoạt động văn học tiếp nối truyền thống của Chiêu Anh Các ở Hà Tiên và Bình Dương thi xã ở Gia Định trước đây. Từ tháng 2-1859 đến trước khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp, ông về làng Bình Cách (nay thuộc TP. Tân An, tỉnh Long An).

Sau Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862), ông cùng Nguyễn Thông và một số sĩ phu khởi xướng phong trào tị địa. Đây là phong trào bất hợp tác với Pháp của sĩ phu Nam kỳ, lánh khỏi các vùng bị Pháp chiếm đóng, đến nơi khác định cư và chờ thời cơ xây dựng lực lượng chống Pháp sau này. Nguyễn Thông ra Bình Thuận, Nguyễn Đình Chiểu về Bến Tre, Huỳnh Mẫn Đạt về Rạch Giá (Hà Tiên), Phan Văn Trị về Vĩnh Long… Sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây (cuối tháng 6-1867), Phan Văn Trị qua vùng Bảy Núi (An Giang). Hay tin Nguyễn Trung Trực về Hà Tiên tiếp tục chống Pháp, ông qua đây ủng hộ nghĩa quân. Khoảng thời gian sau khi Nguyễn Trung Trực rút ra Phú Quốc (giữa năm 1868) thì ông chuyển đến làng Nhơn Ái, tổng Định Bảo, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang (nay là xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ), nơi có phong trào của Đinh Sâm để ủng hộ nghĩa quân. Khi phong trào thất bại, ông ở lại, lập gia đình với bà Đinh Thị Thanh, dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, bất hợp tác với Pháp, sống thanh bạch đến cuối đời. Nhưng những năm tháng ở đây, ông không hoàn toàn là một ẩn sĩ mà thường xuyên đi đó đây, gặp gỡ bạn bè chung chí hướng như Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ, Huỳnh Mẫn Đạt ở Rạch Giá, Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri… để luận bàn thế sự, sáng tác thơ văn tuyên truyền, cổ xúy các hoạt động chống Pháp của nghĩa quân. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên liên hệ với Ký Nho, Ký Táng bàn tính việc nước và tổ chức những cơ sở bí mật chống Pháp tại Bà Rịa, Gò Công, Mỹ Tho. Vì vậy, thực dân Pháp xem ông là phần tử nguy hiểm và ra lệnh truy nã nhưng chúng vẫn không bắt được ông do sự che chở của nhân dân.

Cuộc đời đầy biến động và sự nghiệp văn chương yêu nước của ông đến nay đã được nghiên cứu khá đầy đủ và đã được khẳng định, nhất là kể từ khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo lần đầu tiên về danh nhân Phan Văn Trị diễn ra từ ngày 31-10 đến 2-11-1985. Ông là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, chống giặc tới cùng bằng ngòi bút thông qua thơ văn với trận bút chiến nổi tiếng đập tan luận điệu của bọn tay sai bán nước cầu vinh mà Tôn Thọ Tường là đại diện. Trận bút chiến không những làm chấn động dư luận lúc bấy giờ mà còn kéo dài đến 10 năm sau với sự tham gia của những sĩ phu có uy tín lớn ở Nam kỳ như Hồ Huân Nghiệp, Cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu… làm dấy lên phong trào đấu tranh tư tưởng trong cả nước. Cùng với trận bút chiến, phong trào tị địa do ông cùng khởi xướng đã có tác dụng ngăn đường hợp tác với giặc của những sĩ phu còn lưng chừng, thiếu bản lĩnh, kêu gọi những kẻ lầm đường lạc lối quay về nẻo chính và quan trọng hơn hết là thúc giục nghĩa sĩ cả nước đứng lên chống giặc, bảo vệ quê hương, đất nước. Phan Văn Trị là một trong những người phát ngôn chủ yếu của lực lượng yêu nước ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta.       

Cũng tại hội thảo ở Hậu Giang, vẫn còn một số vấn đề chưa được làm sáng rõ. Hội thảo lần này, với độ lùi thời gian xa hơn 100 năm, chắc chắn công tác sưu tầm tư liệu, khảo cứu về ông vừa thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Mục đích là tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề còn tồn nghi trước đây, rút ra được kết quả nghiên cứu mới cả về lý luận và thực tiễn.

Phối hợp với các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu được đánh giá là cơ quan chuyên môn hàng đầu ở phía Nam tổ chức hội thảo “Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại”, lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định đây cũng là dịp để được đón tiếp quý đại biểu, các học giả, nhà nghiên cứu tới thăm, nghiên cứu, tìm hiểu thêm về vùng đất, con người Bến Tre. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre mong muốn hội thảo tiếp tục khẳng định, đánh giá một cách khách quan, sâu sắc, toàn diện về nhân cách, bản lĩnh, tài năng, tầm vóc của Phan Văn Trị trong thời kỳ cận đại, cũng như sự ảnh hưởng của ông cả về sau này trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa để qua đó tiếp tục có những hoạt động tôn vinh nhằm góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của các bậc tiền nhân ở thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta cho thế hệ hôm nay và mai sau. 

Phan Văn Mãi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN