Quyền lợi người tham gia bảo hiểm luôn được đảm bảo.
Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp. Trải qua 29 năm xây dựng và trưởng thành, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể công chức, viên chức, người lao động qua nhiều thế hệ, BHXH Việt Nam đã không ngừng phát triển và đạt được các thành tích quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) của Đảng và Nhà nước, góp phần tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.
Đến nay, có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi; khoảng 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt gần 31,6% LLLĐ trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng hơn 93,3 triệu người, đạt 93,35% dân số, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách ngày càng tăng. Từ năm 1995 đến hết năm 2023, toàn ngành đã giải quyết khoảng hơn 144,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết gần 9,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn. Từ năm 2003 đến 2023, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 2.542,8 triệu lượt người, tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, kịp thời thanh toán chi phí KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở KCB phục vụ người bệnh BHYT.
BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp mạnh mẽ tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách và được Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Thủ tục hành chính (TTHC) được cải tiến, rút gọn (từ 263 TTHC năm 2009 xuống còn 25 TTHC). Có khoảng 35 triệu người sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT; triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân tại 100% cơ sở KCB…
Từ năm 1995 đến nay, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Qua đó, vị thế của ngành được nâng cao không chỉ trong hệ thống chính trị mà cả trong nhận thức của người dân, trong đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo ASXH, ổn định đời sống người dân, ghi dấu mốc ấn tượng cho giai đoạn 30 năm xây dựng và phát triển vào năm 2025.
BHXH