Ai là người đem cây, trái về trồng ở Cái Mơn?

09/01/2012 - 07:14
Kiểng tắc. Ảnh: TR.Q

Qua hơn một năm tổ chức triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Cái Mơn”, do ông Lê Phước Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách làm chủ nhiệm, vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả bước đầu thực hiện.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, tên gọi Vĩnh Thành đã xuất hiện cách nay hơn 200 năm, với ý nghĩa là thành công mãi mãi. Còn tên gọi Cái Mơn bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì thì không thấy có tên gọi trong địa bạ triều Nguyễn. Theo truyền thuyết, Cái Mơn là Kha Mân, tiếng Khmer là Khmum, nghĩa là “tổ ong”, đọc trại ra là “Cái Mơng” - rạch nhiều ong mật. Có tư liệu cho rằng, Cái Mơn do đọc trại từ tiếng Pháp: Caiman - con sấu mõm dài… Tên gọi Cái Mơn có rất lâu đời, có trước thôn “Vĩnh Thành” và trước khi các linh mục nước ngoài đến Cái Mơn truyền giáo, giảng đạo (đầu thế kỷ XIX).

 

 Hoa xuân. Ảnh: Nguyễn Hải

 

Kết quả nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu và điều tra xã hội học trên 400 hộ nông dân tại xã Vĩnh Thành và một số xã lân cận vùng Cái Mơn, nhóm nghiên cứu đã có được nhiều thông tin về nguồn gốc trái cây Cái Mơn. Luồng ý kiến thứ nhất, khẳng định cụ Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là người có công đầu tiên đem các loại trái cây về Cái Mơn, là ông tổ của trái cây Cái Mơn và nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng Cái Mơn. Từ năm 1851-1858, Trương Vĩnh Ký theo học tại Chủng viện Peelnang (Mã Lai), mỗi lần bãi trường đáp thuyền về quê và không quên mua nhiều loại trái cây biếu mẹ, người thân, lối xóm. Nhưng từ lúc về quê chịu tang mẹ (1858) đến lúc lên Sài Gòn (1860), thời gian không đủ để Trương Vĩnh Ký làm vườn, chơi kiểng. Điều này cho thấy, Trương Vĩnh Ký chỉ có công mang những loại trái cây ngon từ nước ngoài về Cái Mơn, còn việc hướng dẫn nông dân làm vườn, sửa kiểng thì chưa có tư liệu, chứng cứ chắc chắn để khẳng định.

 Luồng ý kiến thứ hai đề cập đến vai trò của các vị linh mục, các giáo sĩ Thừa Sai, đặc biệt là cha sở họ đạo Cái Mơn - ông Henry Gernot mang trái cây từ các nước Đông Nam Á về. Luồng ý kiến này được cho là có nhiều cơ sở chắc chắn. Từ năm 1864 trở đi, hoạt động công giáo có nhiều thuận lợi, việc đi lại của các giáo sĩ dễ dàng hơn, lệnh cấm đạo đã bãi bỏ. Các giáo sĩ đến Cái Mơn ngày càng nhiều và mang theo hạt cây giống từ các nơi về trồng thử nghiệm là điều có thể. Linh mục Gernot làm cha sở họ đạo Cái Mơn 48 năm, được giáo dân kính trọng. Thời gian cai quản họ đạo Cái Mơn, linh mục Gernot có điều kiện đi các nước trong khu vực Đông Nam Á và mang hạt giống cây ăn trái ngon về cho giáo dân trồng, cũng như mang các loại trái cây về biếu các ông trùm, ông biện, quan lại địa phương và sau khi ăn lấy hạt trồng, nhân giống.

Luồng ý kiến thứ ba cho rằng, sở dĩ Cái Mơn có nhiều loại trái cây ngon của nhiều quốc gia Đông Nam Á là do công của các thương gia Hoa kiều Chợ Lớn.

Các luồng ý kiến cho thấy, trái cây miền dưới (chỉ các nước Đông Nam Á) đã du nhập vào Cái Mơn khá sớm, từ 1851-1858. Qua tìm hiểu về trái cây Cái Mơn, nhóm nghiên cứu phát hiện, dừa là loại cây xuất hiện sớm nhất ở Cái Mơn, có nguồn gốc từ miền Trung theo di dân vào Cái Mơn (1702). Các giống cây cam, quýt, chuối, xoài, mãng cầu được nông dân trồng nhiều khi mới lập vườn. Đất Cái Mơn đã có sự hiện diện của 54 loại trái cây, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản của các nước Đông Nam Á. Cái Mơn giống như bản đồ trái cây thu nhỏ của các nước Đông Nam Á.

Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu nhận thấy, các giống hoa có mặt ở Cái Mơn ít nhiều có liên quan đến các giáo sĩ Thừa Sai, các linh mục của nhà thờ họ đạo Cái Mơn. Hoa huệ được xem là xuất hiện rất sớm, bởi người theo đạo Thiên Chúa thường dùng để dâng lên đền thờ và Đức Mẹ. Hoa kiểng Cái Mơn cũng bắt đầu từ khuôn viên nhà thờ. Theo tư liệu, ngày 8-12-1871, nhà thờ đầu tiên tại Cái Mơn khánh thành, xung quanh có nhiều hoa và cau, dừa, măng cụt do cha sở Gernot mang về trồng. Mai là giống hoa xuất hiện sớm ở Cái Mơn. Có ý kiến cho rằng năm 1876, sau chuyến đi Bắc Kỳ, cụ Trương Vĩnh Ký đã đem một số gốc mai về miền Nam. Năm 1861, các giáo sĩ ngoại quốc đã mang kiểng lá về Cái Mơn trồng. Nghề trồng kiểng và sửa kiểng xuất hiện ở Cái Mơn chậm hơn các loại hoa và kiểng lá màu. Sau năm 1954, người dân Cái Mơn mới biết sản xuất hoa, trồng và uốn sửa kiểng để bán, nguyên nhân do chiến tranh loạn lạc, nguồn hạt giống khan hiếm. Tuy nhiên, theo lời kể của các vị cao niên, từ năm 1954, có nhiều gia đình ở Cái Mơn (nhất là gia đình giàu có, khá giả) đã bắt đầu chơi kiểng, tạo dựng nên những vườn kiểng lớn và nổi tiếng như: ông Nhứt Trưng, ông Năm Tiến, ông Hai Đẩu, ông Tám Song, ông Tám Toàn, ông Ba Ký… Từ ý nghĩ trồng chơi dần dần hình thành việc bán và trao đổi sản phẩm.

Ai là người đầu tiên phổ biến cách trồng và tạo dáng cây kiểng Cái Mơn rất khó xác định, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất: Trương Vĩnh Ký được xem là người có công đầu tiên, đem các loại trái ngon từ các nước Đông Nam Á về Cái Mơn. Ông Henry Gernot, người Pháp, làm cha sở họ đạo Cái Mơn từ năm 1864-1912 là người có công thứ hai đem các giống trái cây ngon từ các nước Đông Nam Á về và phổ biến cho dân Cái Mơn trồng. Ông Nguyễn Duy Lưu (1857-1947) có công đem giống sầu riêng “sữa bò” từ Campuchia về Cái Mơn, trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Các đại biểu đánh giá, “Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Cái Mơn” là đề tài khoa học xã hội và nhân văn đầu tiên mà tỉnh đồng ý cho nhóm nghiên cứu của huyện thực hiện và không chỉ dừng lại ở ý nghĩa lịch sử mà còn liên quan đến kinh tế và văn hóa. Đại biểu cho rằng, nhóm nghiên cứu cần dựa trên cơ sở khoa học và lập luận logic để bác bỏ giả thiết không hợp lý; sử dụng phương pháp so sánh, thống kê, biểu đồ để làm nổi bật vấn đề. Ý kiến không đồng tình cây mai vàng được đem từ miền Bắc vào, bởi cây mai là cây của đất phương Nam và hoa đào của miền Bắc. Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Cái Mơn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, có điều kiện thổ nhưỡng, hệ thống giao thông không ngừng hoàn thiện, thuận lợi thông thương hàng hóa, thị trường tiêu thụ mở rộng, cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, việc tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân. Đáng lưu ý là, người dân Cái Mơn rất cần cù, chịu khó, luôn có ý tưởng sáng tạo, không bỏ cuộc với thất bại ban đầu và quyết tâm hướng đến thành công; hình thức ghép cây giống được đa dạng theo thời gian. Trong sử dụng hạt để nhân giống đã xuất hiện ngẫu biến (đột biến gen) và người dân Cái Mơn đã tạo ra giống cây trồng có giá trị.

Hiện, huyện Chợ Lách nói chung và Cái Mơn nói riêng được xem là vựa cây giống, hoa kiểng lớn nhất, nhì Nam Bộ. Cây giống Chợ Lách đã tiêu thụ khắp cả nước, với số lượng hơn 16 triệu cây/năm. Đại biểu đề xuất nhóm nghiên cứu tập trung đi sâu thực trạng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng ở Cái Mơn nói riêng và Chợ Lách nói chung, phân tích nguyên nhân của các hạn chế để có định hướng liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, thương hiệu sản phẩm, liên kết sản xuất, nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, sản phẩm tiếp cận thị trường tiêu thụ… bởi nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng đã giúp hàng ngàn hộ dân có thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Lê Phước Toàn cho biết, ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được xem xét bổ sung vào đề tài. Nhóm nghiên cứu tiếp tục đăng tải kết quả nghiên cứu trên trang web của huyện Chợ Lách để trưng cầu ý kiến đóng góp và phản biện của đông đảo các đối tượng, tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thiện đề tài.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN