Lễ trao tặng nhà tình thương đồng nghiệp. Ảnh: CTV
Tăng về số lượng và chất lượng
Ban Chấp hành CĐCS và Ban Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp) thống nhất đưa nội dung xây dựng nhà tình thương đồng nghiệp cho NLĐ vào thỏa ước lao động tập thể. Quy chế về việc xây dựng tiêu chuẩn xét và trao tặng nhà tình thương đồng nghiệp tại công ty cũng được ban hành. Từ việc mỗi năm chỉ xây mới từ 1 - 2 căn nhà, trị giá 30 triệu đồng/căn, sửa chữa từ 1 - 2 căn, giá trị hỗ trợ khoảng 50% so với xây dựng mới, nay tăng lên 5 căn nhà/năm, giá trị 60 triệu đồng/căn.
Theo Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Văn Tới, năm 2019, Ban Giám đốc công ty đã thống nhất với Ban Chấp hành CĐCS xây dựng mới 5 căn nhà tình thương đồng nghiệp, kinh phí xây dựng 60 triệu đồng/căn. Nếu so với năm 2018 thì tăng thêm 1 căn, kinh phí xây dựng tăng thêm 10 triệu đồng/căn. Kinh phí xây dựng vẫn theo quy định, Công đoàn (CĐ) 50%, công ty 50%. Bên cạnh đó, CĐ các Khu công nghiệp hỗ trợ cho đoàn viên của CĐCS Lương Quới 40 triệu đồng và Ban giám đốc công ty đồng ý hỗ trợ thêm 20 triệu đồng để xây dựng 1 căn nhà theo đúng quy chế của công ty.
Trên cơ sở thống nhất số lượng nhà, ngay từ đầu năm, CĐ thông báo rộng rãi đến toàn thể NLĐ xem nếu thấy thỏa mãn các tiêu chuẩn của quy chế thì mạnh dạn viết đơn xin hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới. Trường hợp bản thân NLĐ đang bức xúc về nhà ở nhưng ngại viết đơn thì đồng nghiệp vẫn có thể viết đơn đề xuất. Ban Chấp hành CĐCS và Ban Quản đốc kết hợp với địa phương nơi công nhân lao động (CNLĐ) thường trú khảo sát thực tế.
Ban Chấp hành CĐCS và Ban Quản đốc họp chốt lại danh sách CNLĐ được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới. Danh sách này được thông báo công khai từ 1 - 2 tuần để tiếp tục xin ý kiến của NLĐ xem có hợp lý hay không. Khi NLĐ thống nhất, CĐ phối hợp với chính quyền địa phương triển khai xây dựng. Những trường hợp đơn xin nhưng không được hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, đoàn khảo sát xem xét đề xuất Ban Giám đốc hỗ trợ sửa chữa.
Theo Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Bảo Trí, người đã có thời gian tương đối dài đảm nhận chức danh Chủ tịch CĐCS tại công ty thì việc xây dựng nhà tình thương đồng nghiệp được Ban Chấp hành CĐCS và Ban Giám đốc công ty khởi xướng từ năm 2009. Lúc đó, mỗi năm chỉ xây dựng mới từ 1 - 2 căn nhà, kinh phí xây dựng 30 triệu đồng/căn, sửa chữa cũng từ 1 - 2 căn, kinh phí khoảng 50% so với xây dựng mới. Sau đó, điều kiện kinh doanh thuận lợi, công ty mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thu hút thêm lao động kèm theo CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn bức xúc về nhà ở tăng. CĐ và công ty thống nhất tăng số lượng nhà tình thương đồng nghiệp xây dựng mới tăng lên từ 3 - 4 căn/năm, kinh phí 50 triệu đồng/căn. Năm 2019, số lượng xây mới là 5 căn, kinh phí 60 triệu đồng/căn. Các căn nhà xây dựng đảm bảo chắc chắn để NLĐ an cư lâu dài.
Để có nguồn kinh phí 50% đối ứng với người sử dụng lao động, CĐ xin ý kiến và được CNLĐ thống nhất đóng góp theo vị trí làm việc, trung bình từ 20 - 50 ngàn đồng/người/năm. Riêng kinh phí sửa chữa nhà, người sử dụng lao động hỗ trợ 100%. Số lượng CNLĐ làm việc tại công ty từ 300 - 400 người nay tăng lên gần 1.000 lao động. Mức lương năm 2018, bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng trở lên. Nên việc đóng góp kinh phí để chia sẻ với những CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn bức xúc về nhà ở nằm trong khả năng của NLĐ.
Chia sẻ khó khăn với NLĐ
Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới không dừng lại ở việc xây dựng nhà ở cho NLĐ mà còn quan tâm chia sẻ khó khăn với NLĐ. Hôm chúng tôi đến cũng là lúc Chủ tịch CĐCS Nguyễn Văn Tới cầm tờ trình đã được Ban Giám đốc công ty đồng ý hỗ trợ kinh phí thăm hỏi 2 trường hợp CNLĐ bị tai biến sau khi sinh con và có người thân bị tai biến. Mức hỗ trợ từ 10 - 30 triệu đồng/trường hợp.
Theo Chủ tịch CĐCS Nguyễn Văn Tới, trong quá trình lao động, CĐ phát hiện có trường hợp NLĐ hoặc người thân của NLĐ bị bệnh điều trị chi phí cao thì mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo công ty. Năm 2018, một CNLĐ ở khâu sơ chế bị bệnh gai cột sống, là lao động chính và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Khi CĐ đề xuất, người sử dụng lao động đã hỗ trợ 30 triệu đồng. Hay một trường hợp khác, cũng bị bệnh nhưng điều kiện kinh tế gia đình thuận lợi hơn, công ty hỗ trợ 10 triệu đồng. Tại công ty cũng đã xảy ra trường hợp bị bệnh ung thư, ngoài hỗ trợ của công ty, CĐ đã phát động và NLĐ tự nguyện đóng góp hơn 60 triệu đồng để chia sẻ khó khăn cho đồng nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2018, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã trích gần 1 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xã hội cho NLĐ trong công ty và người dân ngoài công ty.
Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành cho rằng, công ty luôn xem NLĐ là tài sản quý. Chính NLĐ đã góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của công ty. Ban Giám đốc công ty luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, trong đó có việc cùng CĐ xây dựng nhà tình thương đồng nghiệp và hỗ trợ kinh phí thăm hỏi CNLĐ bị bệnh hoặc có người thân bị bệnh.
Đoàn viên CĐ đang làm việc tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở được chính quyền địa phương xác nhận, có đất ở hợp pháp nhưng chưa có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm, bị hư hỏng nặng; đoàn viên CĐ bị thiên tai, hỏa hoạn mất nhà cửa hoặc thiệt hại nặng về nhà cửa, không có khả năng tự xây cất nhà mới, không có đất nông nghiệp canh tác (dưới 2.000m2); đoàn viên CĐ có thời gian làm việc tại công ty đến thời điểm nộp đơn xin xét nhà ít nhất 12 tháng, được tập thể NLĐ nơi làm việc đồng thuận ký tên ủng hộ đơn đề nghị xét trao tặng nhà tình thương đồng nghiệp/sửa chữa nhà và được cấp quản lý trực tiếp (Ban quản đốc) xác nhận… sẽ được xem xét hỗ trợ sửa nhà, xây dựng nhà mới. |
Trần Quốc