Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 2 chính sách an sinh xã hội góp phần nâng đỡ đời sống người dân. Ảnh: P. Hân
- BHXH, BHYT là 2 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đóng vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội nước ta. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Tính đến cuối tháng 8-2019, BHXH tỉnh có hơn 100.998 lao động tham gia BHXH, có 1.168.296 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 92,12% so với dân số của tỉnh, cao hơn so với cả nước. Tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1.613 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn. Hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và mọi người lao động tích cực thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Đây cũng chính là quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”.
* Những giải pháp hạn chế chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như thế nào thưa ông?
- Hiện nay, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, mất khả năng thu hồi chưa có quy định hướng dẫn. Công tác phối hợp với Liên đoàn Lao động khởi kiện ra tòa đối với DN nợ chưa thực hiện được do vướng về thủ tục tố tụng. Các chế tài xử lý các đơn vị cố tình nợ kéo dài chưa đủ mạnh, các biện pháp khởi tố hình sự đối với đơn vị cố tình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN chưa được triển khai.
Tính đến cuối tháng 8-2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh là trên 53.385 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh trên 9,1 tỷ đồng. Trong đó, có trường hợp nợ chậm đóng dưới 1 tháng, nợ đọng dưới 3 tháng, nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên và nợ khó thu.
BHXH tỉnh luôn xem việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu đó, BHXH tỉnh đã tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT để người lao động và chủ sử dụng lao động hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Từ đó, thực hiện đúng, đủ những chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Giao trách nhiệm cho cán bộ chuyên quản thường xuyên đối chiếu, rà soát nợ và yêu cầu chủ sử dụng lao động nộp đúng, đủ, kịp thời BHXH.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; phối hợp với ngân hàng trích tài khoản của đơn vị nợ để thanh toán BHXH theo quy định. Thực hiện các bước đôn đốc thu nợ, thanh tra, kiểm tra theo quy định, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý hình sự theo quy định đối với các đơn vị cố tình vi phạm.
* Việc cân đối quỹ khám chữa bệnh (KCB) và tình trạng âm quỹ có xảy ra?
- Tỉnh có số người được hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công tại địa phương cao (trên 69 ngàn người). Số người nghèo, cận nghèo, người được chế độ bảo trợ xã hội gần 400 ngàn người. Do đó, xét trên mặt bằng tổng thể, cơ cấu thẻ BHYT của đối tượng người lao động thấp, chiếm 8,4%/tổng thẻ BHYT (trong đó đối tượng DN chiếm 5,7%/tổng thẻ); cơ cấu các đối tượng có mức đóng theo lương cơ sở chiếm tỷ lệ cao 90,14%/tổng thẻ BHYT dẫn đến quỹ BHYT thấp. Tần suất KCB/1 người tham gia BHYT tại tỉnh cao hơn tần suất KCB chung toàn quốc.
Do đó, tỉnh là một trong những tỉnh có tình trạng bội chi quỹ KCB nhiều năm liền, năm 2018 bội chi quỹ KCB là 218,2 tỷ đồng, 8 tháng năm 2019 bội chi quỹ KCB là 261,4 tỷ đồng.
* Giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, cũng như đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
- Hiện nay, đa số DN chưa tham gia BHXH trên địa bàn là nhỏ lẻ, sử dụng ít lao động, không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ)... Nhưng cơ quan quản lý lao động chưa quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy định của pháp luật về lao động, HĐLĐ, người lao động không có HĐLĐ với chủ sử dụng lao động nên chưa đủ cơ sở để bắt buộc tham gia BHXH.
Để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và phục vụ tốt hơn cho người dân, DN cũng như đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, BHXH tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhằm đưa chính sách đến gần hơn với người dân. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho UBND cấp huyện.
Tăng cường phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan liên quan xác định số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động và đóng thuế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Tổ chức rà soát, phân tích, đối chiếu dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp với dữ liệu cơ quan BHXH đang quản lý để xác định số lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhằm xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển đối tượng phù hợp. Đôn đốc BHXH huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt quy trình phát triển đối tượng tham gia tại các đơn vị chưa tham gia BHXH theo quy định. Mở rộng mạng lưới đại lý thu, điểm thu, đào tạo kỹ năng tiếp cận, vận động để khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành và xử lý các DN có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo sự thuận lợi và hài lòng cho người dân khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
* Xin cảm ơn ông!
Phan Hân (thực hiện)