
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Thái Thu Xương và Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến chụp ảnh với đại diện Ban Chấp hành mới. Ảnh: H. Hiệp
* Phóng viên: Thưa Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, xin ông cho biết một số thành tích nổi bật trong thực hiện NQ ĐH nhiệm kỳ qua?
- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Phúc Linh: Trong 5 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy và sự nỗ lực của toàn thể CBCĐ các cấp, đội ngũ CB, ĐV, NLĐ tỉnh nhà tiếp tục tăng nhanh về số lượng và chất lượng, nhất là lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) trong các doanh nghiệp (DN). Trong nhiệm kỳ qua, do chuyển dịch về lao động tự nhiên trong DN có tổ chức CĐ trong tỉnh nên số lượng ĐV hàng năm có sự biến động nhất định. Toàn tỉnh hiện có 87.239 ĐV, chiếm khoảng 6,71% dân số toàn tỉnh.
CĐ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc cùng với các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong DN, góp phần kéo giảm các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Giúp NLĐ kịp thời nắm bắt những quy định về pháp luật lao động, tạo điều kiện cho NLĐ yên tâm làm việc, lao động sản xuất, hạn chế tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, đình công, lãn công trong DN. Việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các DN, nhất là DN ngoài khu vực nhà nước được các cấp CĐ chú trọng thực hiện. Đã có 220 bản TƯLĐTT được ký kết, tăng 30% so với đầu nhiệm kỳ, chất lượng các bản TƯLĐTT được nâng lên, đa số nội dung đều có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.
Hàng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức họp mặt đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ. Thông qua đối thoại là dịp để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm giải quyết kịp thời các kiến nghị của NLĐ. CĐ đã chủ động tham gia, phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp tổ chức tốt hội nghị CB, CC và nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị NLĐ. Bình quân hàng năm có 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị CB, CC và 90% DN có tổ chức CĐ tổ chức hội nghị NLĐ, đạt 100% chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Trong nhiệm kỳ, các cấp CĐ tích cực vận động người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho ĐV, NLĐ bằng các việc làm cụ thể, thiết thực như: chia sẻ, thăm hỏi các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, xây dựng nhà ở, tổ chức tham quan du lịch, hiếu hỷ, chăm sóc sức khỏe định kỳ, tổ chức các quỹ tương trợ giúp nhau lúc khó khăn, tăng thu nhập. Tiếp cận các nguồn vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng để phát triển kinh tế, chăm lo con ĐV, NLĐ vượt khó, học giỏi thông qua các dịp lễ, Tết, Tháng công nhân bằng nguồn kinh phí của CĐ, đóng góp của ĐV, NLĐ, của chủ DN và các đơn vị hảo tâm, góp phần cải thiện đời sống cho ĐV, NLĐ. Trong 5 năm qua, có hơn 200 ngàn lượt ĐV, NLĐ được chăm lo với số tiền 122,935 tỷ đồng.
Chương trình “Tết sum vầy” nhanh chóng phát triển, được đông đảo ĐV, NLĐ, người sử dụng lao động, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần quan trọng trong việc ổn định lực lượng lao động sau Tết Nguyên đán. Từ nguồn kinh phí CĐ và vận động DN ủng hộ, các cấp CĐ đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe. Qua 5 năm, đã có 400 ngàn ĐV, CNLĐ được chăm lo trong dịp Tết với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2021, 2022, các cấp CĐ tập trung tham gia các hoạt động khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chung tay phòng chống dịch Covid-19 với nhiều việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn như: trao sổ tiết kiệm, học bổng cho các em thiếu nhi là con ĐV qua đời do dịch Covid-19; hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch; đóng góp Quỹ “Vắc-xin cho công nhân”, ủng hộ các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Thăm hỏi, hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 1.284 CB, nhân viên y tế tuyến đầu phòng chống dịch. Hỗ trợ tăng cường suất ăn cho 9.515 CNLĐ làm việc “3 tại chỗ” tại 56 DN trên địa bàn toàn tỉnh; rà soát hỗ trợ hình thức phù hợp như chi hỗ trợ hơn 13 ngàn ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Trao sổ tiết kiệm CĐ Việt Nam, học bổng cho các em thiếu nhi là con ĐV tử vong do dịch Covid-19; vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho ĐV, NLĐ khó khăn trong các DN có tổ chức CĐ với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Vận động ĐV, NLĐ số tiền 508 triệu đồng, hỗ trợ chương trình “Vắc-xin cho công nhân” số tiền 1,166 tỷ đồng.
Đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 112 căn nhà “Mái ấm CĐ”, “Mái ấm tình thương”, “Mái ấm nghĩa tình”, “Mái ấm ngành y”, cho đối tượng ĐV, NLĐ khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã ký kết với 26 đối tác về chương trình phúc lợi cho ĐV và đã có trên 160 ngàn lượt CNVCLĐ được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các đối tác, với giá trị được hưởng lợi hơn 10 tỷ đồng.
Triển khai kế hoạch thực hiện “Hậu phương NLĐ” giai đoạn 2022 - 2025 đạt kết quả bước đầu tích cực. Qua 1 năm phát động, các cấp CĐ đã hỗ trợ 4,8 tỷ đồng cho ĐV là hộ nghèo, cận nghèo, hiện tại đã có 14 hộ thoát nghèo. Đồng hành cùng DN chăm lo hỗ trợ cho ĐV, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với 975 trường hợp, số tiền 997 triệu đồng.
Các phong trào thi đua yêu nước trong ĐV, NLĐ do CĐ phát động có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện. Đặc biệt, trong phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, đã có trên 6 ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên các lĩnh vực lao động sản xuất, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý, điều hành, sáng kiến vì cộng đồng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục với giá trị làm lợi trên 20 tỷ đồng.
* Bên cạnh những kết quả nổi bật, có những hạn chế gì cần khắc phục?
- Nhiệm kỳ qua, bên cạnh những kết quả nổi bật thì công tác học tập và tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế; hiệu quả đối thoại, phản biện xã hội hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ chưa đạt yêu cầu. Công tác tuyên truyền giáo dục, nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ trong DN chưa kịp thời. Hình thức tuyên truyền tuy có đổi mới nhưng chưa thật sự sát với điều kiện hoạt động của từng DN; chưa rộng khắp đến ĐV, NLĐ trong DN.

Trao nhà “Mái ấm Công đoàn” tại xã Long Hòa, huyện Bình Đại. Ảnh: H. Hiệp
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của CĐ có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của NLĐ trong các DN có tổ chức CĐ. Việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan CĐ tỉnh thực hiện còn chậm, hiện vẫn chưa thực hiện được việc sáp nhập phòng, ban theo Quy định số 212-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện. Số lượng CB chuyên trách là hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan CĐ còn 15 CB hợp đồng đến nay chưa có hướng giải quyết ổn thỏa dẫn đến việc bố trí vị trí, nhiệm vụ cho CBCĐ còn chồng chéo, làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức CB của LĐLĐ tỉnh, nhất là thời điểm ĐH CĐ các cấp.
Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” theo Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chậm, chưa có nhiều nổi bật, các mô hình của các cấp CĐ trong nhiệm kỳ qua không được nhiều, chưa nhân rộng để học tập điển hình và chưa tạo được sự lan tỏa để trở thành phong trào rộng khắp trong hệ thống CĐ.
* Những bài học kinh nghiệm được rút ra là gì thưa ông?
- Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện NQ ĐH X CĐ tỉnh và NQ ĐH XII CĐ Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã rút ra một số kinh nghiệm. Đó là các cấp CĐ phải chủ động, linh hoạt, thích ứng, nhạy bén với tình hình thực tiễn đối với tâm tư, nguyện vọng của ĐV, NLĐ, qua đó tham mưu đề xuất với cấp ủy đảng, phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, các ngành có liên quan, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội trong các hoạt động, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để hoạt động CĐ luôn đạt hiệu quả, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Phát huy tốt vai trò lãnh đạo tập thể và điều hành của người đứng đầu tổ chức CĐ từ tỉnh đến cơ sở gắn với bám sát các nguyên tắc, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển trên các lĩnh vực điều hành. Mọi hoạt động của tổ chức CĐ phải thực sự tập trung về cơ sở, sát thực tiễn, lấy việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, NLĐ làm nhiệm vụ trung tâm, là mục tiêu xuyên suốt trong mọi hoạt động CĐ.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm theo từng chủ đề công tác để có giải pháp đột phá, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình tiên tiến trong tập thể, cá nhân CB, ĐV, NLĐ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xem nhiệm vụ xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt của CĐ, nhằm đáp ứng được yêu trong tình hình mới.
Xác định đúng đắn và kịp thời việc đưa nền tảng số vào công tác tuyên truyền giáo dục và truyền thông CĐ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, giúp cho ĐV, NLĐ nắm bắt nhanh các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của CĐ.
Làm tốt công tác quy hoạch CB, bố trí CB làm công tác CĐ các cấp phải kinh qua thực tiễn và được đào tạo, bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ công tác CĐ, nhất là CBCĐ khu vực kinh tế ngoài khu vực nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, trách nhiệm, uy tín với ĐV, NLĐ.
* Những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của CĐ trong nhiệm kỳ mới?
- Mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới là tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ, đổi mới toàn diện nội dung và phương thức hoạt động CĐ; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ CĐ trong tình hình mới; hướng về cơ sở, chú trọng công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, NLĐ; xây dựng đội ngũ CBCĐ có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, có uy tín và trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới công tác tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp và tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của ĐV, NLĐ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch và hệ thống chính trị vững mạnh để góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
5 nhiệm vụ trọng tâm là: Tư vấn, hướng dẫn, giáo dục, truyền thông cho ĐV, NLĐ; đối thoại và thương lượng tập thể; đại diện giải quyết các khiếu nại của ĐV và NLĐ; xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh với đội ngũ CBCĐ có tri thức, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo; nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, đặc biệt là DN ngoài nhà nước, chú trọng đồng hành DN vượt qua khó khăn.
3 khâu đột phá là tập trung đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, mang lại lợi ích cho ĐV, NLĐ, trọng tâm là về tiền lương, điều kiện và thời giờ làm việc; thực hiện hiệu quả Kế hoạch “Hậu phương NLĐ” giai đoạn 2022 - 2025. Chú trọng xây dựng đội ngũ CBCĐ, đặc biệt là chủ tịch CĐ cơ sở trong tỉnh luôn ý thức không ngại khó, không né tránh, tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của CĐ trong tình hình mới. Chuyển đổi số toàn diện trong chỉ đạo và điều hành hoạt động CĐ, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả NQ số 01-NQ/TU ngày 20-10-2020 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Các giải pháp chủ yếu, tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của ĐV, NLĐ. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh, quan tâm thu hút NLĐ. Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng nguồn tài chính để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Đổi mới phương thức hoạt động CĐ thích ứng với bối cảnh tình hình mới. Tăng cường hoạt động công tác kiểm tra, giám sát CĐ các cấp, góp phần xây dựng tổ chức CĐ trong sạch, vững mạnh.
* Xin cảm ơn Chủ tịch LĐLĐ tỉnh!
ĐH XI CĐ tỉnh nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tiến hành trong giai đoạn các cấp, các ngành, CB, ĐVCĐ và NLĐ trong tỉnh tiếp tục ra sức thi đua thực hiện NQ ĐH XIII của Đảng, NQ ĐH XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu NQ ĐH XII CĐ Việt Nam. Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” và khí thế thi đua “Đồng khởi mới”, các cấp CĐ, CB, ĐV, NLĐ quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ ĐH XI CĐ tỉnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng giai cấp công nhân tỉnh nhà ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. |
Hữu Hiệp (thực hiện)