Đóng góp dự thảo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh và Điều lệ Công đoàn Việt Nam

20/12/2017 - 07:55
Công nhân lao động tham gia đóng góp ý kiến liên quan thiết thực đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: Tr.Q

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các huyện, thành phố đã triển khai đến các công đoàn (CĐ) cơ sở, đoàn viên CĐ đóng góp ý kiến cho dự thảo Văn kiện Đại hội CĐ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023 và ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam. Tất cả ý kiến đóng góp được tổng hợp gửi về Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh.

Đối với Văn kiện Đại hội CĐ tỉnh

Ý kiến cho rằng, hàng năm có trên 80% đoàn viên, người lao động (NLĐ) được học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của CĐ là thấp, bởi trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, chỉ tiêu này là 98% và đã thực hiện đạt 98,45% nên chia chỉ tiêu theo loại hình, ví dụ như: 100% ở cơ quan, trường học; 80% ở khu vực doanh nghiệp (DN), nghiệp đoàn… sẽ phù hợp hơn. Hàng năm, bình quân mỗi CĐ cơ sở bồi dưỡng, giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên CĐ ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp là khó thực hiện, đặc biệt ở loại hình CĐ ngoài quốc doanh vì phần lớn đơn vị này không có tổ chức cơ sở đảng, CĐ cơ sở cũng không gắn với chi bộ đảng ở khu dân cư.

Chỉ tiêu thu tài chính CĐ đạt 40% đối với DN không có tổ chức CĐ là cao. Vì thời gian qua việc thu kinh phí CĐ ở khu vực này còn rất thấp và chưa được sự đồng thuận của DN. Do vậy, để thực hiện chỉ tiêu này phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xử lý những DN không chấp hành theo quy định.

Việc DN có tổ chức CĐ ký kết thỏa ước lao động tập thể nên ghi: có ít nhất 1 - 2 điều khoản có lợi hơn cho NLĐ vì thực tế có những DN mặc dù đã thực hiện nhiều chế độ, chính sách có lợi cho NLĐ nhưng không đồng ý đưa những nội dung này vào, luật không quy định bắt buộc, do đó nếu đưa chỉ tiêu 100% là không khả thi.

Nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, kết cấu, bố cục báo cáo khó tiếp thu, việc lồng ghép kết quả thực hiện với phương hướng, đánh giá những vấn đề đặt ra chưa sâu và chưa toàn diện. Báo cáo chỉ nhấn mạnh vào những hạn chế của phong trào ở khu vực DN mà chưa đánh giá sâu về hoạt động CĐ ở khu vực khác như cơ quan, trường học, xã, phường và nghiệp đoàn lao động. Bổ sung khẩu hiệu hành động vào báo cáo chính trị để gắn nhiệm vụ chuyên môn của tổ chức CĐ với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ. Một số nội dung, nhiệm vụ trong báo cáo còn ít so sánh với chỉ tiêu nghị quyết; chưa nhấn mạnh thành quả để tạo điểm nhấn của nhiệm kỳ IX. Một số nội dung còn trùng lắp, đánh giá chưa sắc nét. Việc đánh giá tình hình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) quá chung, không thấy được nét riêng của CNVCLĐ Bến Tre, cần nêu rõ về cơ cấu, số lượng, thành phần, trình độ học vấn, tay nghề, việc làm, đời sống, tư tưởng (nên có số liệu, tỷ lệ). Phương châm đại hội nên bổ sung thêm cụm từ “thiết thực”: “Dân chủ, đoàn kết, thiết thực, năng động, đổi mới”.

Đối với dự thảo Điều lệ CĐ Việt Nam

Đề nghị đổi tên Tổng LĐLĐ Việt Nam thành CĐ Việt Nam; LĐLĐ cấp tỉnh, huyện thành CĐ tỉnh, CĐ huyện; cũng có ý kiến đổi tên Tổng LĐLĐ Việt Nam thành Tổng CĐ Việt Nam. Huy hiệu CĐ Việt Nam có dòng chữ “TLĐ” đổi thành “CĐVN” cho phù hợp với tên gọi của tổ chức CĐ Việt Nam.

Nên kết nạp vào tổ chức CĐ đối với đối tượng là NLĐ có quốc tịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện: giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực từ 24 tháng trở lên; nơi người làm việc có tổ chức CĐ; tự nguyện làm đơn xin gia nhập CĐ; được CĐ cơ sở tại nơi làm việc làm thủ tục kết nạp.

Đối với chủ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc nếu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nếu có nguyện vọng thì nên kết nạp vào tổ chức CĐ. Thực tế, có nhiều chủ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị… là bí thư đảng ủy, bí thư chi bộ trực tiếp chỉ đạo hoạt động CĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho CĐ hoạt động.

Hiện nay, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã chuyển đổi mô hình hoạt động và một số hợp tác xã đã đóng bảo hiểm xã hội và chi trả các chế độ cho NLĐ đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Vì vậy, nên xem xét đưa các đối tượng này vào tổ chức CĐ. Cán bộ bán chuyên trách cấp xã có đóng bảo hiểm xã hội cần kết nạp vào tổ chức CĐ.

Không đưa đối tượng NLĐ giúp việc gia đình vào đối tượng kết nạp vào tổ chức CĐ vì sẽ khó khăn trong việc quản lý, thu CĐ phí và tổ chức sinh hoạt CĐ.

Bổ sung thêm vào hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐ Việt Nam “phiếu bầu cử tín nhiệm (không có số dư) thêm 2 cột đứng” đồng ý và không đồng ý”; “Ban bầu cử phải đếm số phiếu phát ra, số phiếu thu vào báo cáo trước đại hội” để đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Điều kiện thành lập CĐ cơ sở nên quy định ở khu vực hành chính sự nghiệp là 5 đoàn viên hoặc NLĐ; DN là 10 đoàn viên hoặc NLĐ. Bởi đối với DN nhỏ, việc làm không ổn định, nếu có 5 đoàn viên hoặc NLĐ tự nguyện gia nhập CĐ thì rất khó hoạt động và khó bền vững. Tối thiểu phải có 10 đoàn viên để phù hợp với việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động như vấn đề xây dựng nội quy lao động, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc (đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể).

Điều lệ CĐ có quy định thẩm quyền của CĐ trong việc quyết định tổ chức bộ máy, cán bộ nhưng khó thực hiện, nên chỉnh sửa cho phù hợp để triển khai thực hiện không vướng. CĐ cơ sở ghép nhiều cơ quan lại (CĐ cơ sở khối) hoạt động khó khăn: vận động kinh phí từ chính quyền (nhiều cơ quan); tổ chức hội, họp.

Việc thành lập ban nữ công quần chúng khi có từ 20 đoàn viên nữ trở lên là phù hợp thay vì 10 đoàn viên nữ như hiện nay. Cần làm rõ hơn các quyền lợi để phân biệt sự khác biệt giữa đoàn viên CĐ và NLĐ chưa gia nhập CĐ. Có như vậy, NLĐ mới thấy được quyền lợi khi được gia nhập vào tổ chức CĐ.

Nhiệm kỳ đại hội của CĐ các cấp từ Trung ương đến cơ sở là 5 năm/lần để đảm bảo tính ổn định của ban chấp hành CĐ, cán bộ CĐ có thời gian nghiên cứu nghiệp vụ từ thực tiễn.

Trong thực tế, khi tổ chức đại hội CĐ cơ sở, LĐLĐ huyện Châu Thành đề nghị bổ sung, sửa đổi: Điều 10, 11, 12 (Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐ Việt Nam) nên sửa lại là: “Số đại biểu dự khuyết do đại hội, hội nghị quyết định có thể bầu riêng đại biểu dự khuyết hoặc xin ý kiến đại hội, hội nghị lấy đại biểu dự khuyết là người có số phiếu liền kề với người có số phiếu thấp đã trúng cử đại biểu chính thức” (không cần quá ½). Thực hiện điều này sẽ bớt thời gian để đại hội tập trung vào những việc chính, tránh những thủ tục mang tính hình thức… Mẫu phiếu bầu ngoài các mục: họ và tên, chức vụ, đơn vị công tác thêm mục: đồng ý, không đồng ý, tạo điều kiện cho người tham gia bỏ phiếu thể hiện chính kiến thuận lợi.

 

Trần Quốc (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN