Huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo

24/11/2023 - 05:13

BDK - Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4-6-2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2019 - 2025, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển GD&ĐT.

Vận động trao học bổng, học phẩm cho các em học sinh nhân dịp đầu năm học mới 2023-2024.

Vận động trao học bổng, học phẩm cho các em học sinh nhân dịp đầu năm học mới 2023-2024.

Kết quả huy động các nguồn lực xã hội

Năm học 2022-2023, đối với giáo dục mầm non, toàn tỉnh có 19 trường ngoài công lập/179 trường mầm non, mẫu giáo với 74 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập với 5.009 trẻ ngoài công lập với 44.552 trẻ, đạt tỷ lệ 12,83%; có 2 cơ sở giáo dục (CSGD) phổ thông ngoài công lập với 1.262 học sinh; 10 cơ sở ngoài công lập/24 cơ sở dạy nghề.

Trên địa bàn huyện Châu Thành hiện có 2 khu công nghiệp: Khu công nghiệp Giao Long có 1 trường mầm non công lập, Khu công nghiệp An Hiệp có 2 trường mầm non (1 công lập và 1 ngoài công lập). Các trường mầm non đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân; hiện có 278 trẻ em là con công nhân đang học tại các CSGD mầm non. Ngoài ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho mầm non, ngành GD&ĐT đã hỗ trợ về chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý ở tất cả các trường mầm non ngoài công lập. Trong năm học 2022-2023, có 4 CSGD mầm non ngoài công lập được thành lập (Châu Thành 3 cơ sở, Bình Đại 1 cơ sở).

Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT cùng các địa phương tích cực đầu tư cơ sở vật chất cho các cấp học, nhất là các khối lớp phục vụ cho thay sách với kinh phí đầu tư từ các nguồn gần 590 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành đã vận động các nhà tài trợ xây dựng mới 6 phòng học, trị giá 1,4 tỷ đồng để đưa vào phục vụ công tác dạy và học.

Các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tài trợ kinh phí khoảng 61 tỷ đồng đầu tư về cơ sở vật chất và trao học bổng, hỗ trợ quần áo, sách giáo khoa cho các em thuộc gia đình chính sách, tập vở, xe đạp, dụng cụ, học phẩm học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 6,5 tỷ đồng hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Tỉnh cũng đã rà soát, lập kế hoạch về mạng lưới các CSGD theo hướng đầu tư có trọng điểm, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, địa bàn gần nhau, để dành nguồn lực cho những nơi khó khăn hoặc không phát triển trường công lập ở những nơi có điều kiện nhằm phân luồng cho học sinh lựa chọn các mô hình trường ngoài công lập.

Việc thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án xây dựng đều có quỹ đất cho giáo dục hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư. Chính quyền địa phương các cấp và ngành GD&ĐT thể hiện sự quan tâm đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

Kết quả thực hiện các giải pháp

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, qua triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh đã dần hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư thông qua việc xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương, ưu tiên phát triển các CSGD ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các CSGD công lập, từ năm 2017, tỉnh thực hiện phân cấp ngân sách theo quy định hiện hành. 100% CSGD công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ (nay là Nghị định số 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập). Tất cả các CSGD đều thực hiện tốt các quy định về thu, chi các khoản đóng góp tự nguyện của các nguồn lực khác, không có tình trạng lạm thu trong các CSGD công lập.

Ngành GD&ĐT xác định kiểm định chất lượng giáo dục là khâu quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường, mở rộng ra là chất lượng của toàn ngành. Các CSGD đã triển khai công tác tự đánh giá theo quy trình Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, kết quả có 100% CSGD hoàn thành tự đánh giá, 82,9% các CSGD đã được đánh giá ngoài…

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được thực hiện hiệu quả, thường xuyên, kịp thời, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN