 |
Xe quân cảnh Mỹ bị đốt. Ảnh: ST |
Thuở chiến tranh, chúng tôi đi học ở Sài Gòn. Điểm chung của chúng tôi là rất siêng học, học kinh khủng, học ngày, học đêm. Chính quyền ban hành Luật “Miễn dịch lý do học vấn”, 17 tuổi phải có Tú tài I, 18 tuổi phải xong Tú tài II, vô năm nhất đại học, cứ thế tính tới.
Nếu rớt thì đi quân dịch. Giảng đường đại học nhỏ hẹp, thiếu thốn mà sinh viên đông đúc. 7 giờ rưỡi học, 4 giờ sáng dậy, ăn chén cơm nguội mẹ mới rang rồi đạp xe tới trường. Thảy cuốn tập trên mặt bàn “xí” chỗ, nếu không thì có nước đứng ngoài cửa sổ hóng vô như trò Trần Minh khố chuối năm xưa. Hôm nào học 2 buổi, trưa có ít đồng ăn trái chuối già, uống ly trà đá là hạnh phúc lắm, mơ chi tới dĩa cơm sườn. Có những năm chiến trường thiếu lính, như năm 1968, 1971, 1972 … , chính quyền ban hành Thiết quân luật, đôn quân, đột ngột bắt lính giảm xuống 1 tuổi. Lớp học ngày càng thưa, trường ngày mỗi vắng. Hè chưa về, ve chưa kêu mà thầy trò, bè bạn đã gạt nước mắt tiễn nhau lên Trung tâm 3, Tổng nha Quân vụ... Khóc hu hu y như tiễn nhau vào chỗ chết. Cứ mươi bữa, nửa tháng, nghe tin thằng này tử trận, đứa kia bỏ mạng sa trường. Có những cái chết mà không hiểu mình chết cho ai, chết vì cái gì thì oan uổng quá. Kẻ ở lại cắm đầu học tiếp trong buồn rầu, sợ hãi, hoang mang. Cảm giác ấy dần nâng lên thành bực tức, giận dữ cho đến đỉnh điểm là biến thành phong trào xuống đường biểu tình.
Vui nhứt là lần đốt chiếc xe Jeep của 2 thằng lính Mỹ ở trước cửa Trường Chu Văn An. Nơi chúng tôi tụ tập thường xuyên là Tổng hội Sinh viên, 207 Hồng Bàng, gần Tòa Hành chánh Quận 5, trước mặt là nhà thờ Ngã Sáu. Còn Trường Chu Văn An xế bên kia, sát vách Đại học xá Minh Mạng. Hồi đó, ở Sài Gòn, học trò lớn đi học mà áo bỏ ngoài, để tóc dài, phì phèo thuốc lá, mặc đồng phục không đeo phù hiệu, bảng tên thì bị quân cảnh dừng xe, nhéo tai, đá đít. Sau mới biết do thiết quân luật, quân sự hóa học đường, nên họ đem cách cư xử nhà binh vào trường học. Đó là cách đối phó với người trà trộn, đám học sinh hay xuống đường biểu tình. Qua phù hiệu, biết ngay học trường nào và ban giám hiệu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Tụi tôi cũng tinh ranh, đối phó bằng cách dùng cơm nguội dán phù hiệu lên áo chứ không may hẳn, để khi cần lột ra cho lẹ. Tôi nhớ thằng bạn học cùng lớp tên Cường, trưa nọ, nó vô trường rất sớm, lấy lá cờ Mặt trận Giải phóng cột nửa cục gạch thẻ cuộn lại ném lên nóc nhà. Lát sau, học trò vô chật sân, gió thổi lá cờ tung ra bay phất phới, cục gạch còn vướng lại trong máng xối, ai cũng chưng hửng ngước nhìn. Cảnh sát ùn ùn kéo tới. Sáng hôm sau, chúng tới tận nhà bắt thằng Cường giải đi. Biệt tăm, mãi đến năm trao trả tù binh, nó mới về với bộ dạng tật nguyền, man dại.
Hội sinh viên tổ chức quy củ. Kinh phí dồi dào từ nguồn tài trợ tự nguyện ở mục Sổ vàng của rất nhiều tờ báo. Có dạo cảnh sát chiếm mất trụ sở Tổng hội nên hội phải lưu lạc, sơ tán nhiều nơi. Chủ tịch là anh Huỳnh Tấn Mẫm, sinh viên Đại học Y khoa. Phụ trách ngân quỹ là chị Nguyễn Thị Yến. Biết vậy chớ tép riu như tôi cũng chưa gặp các anh chị ấy bao giờ. Phương diện tiếp vận cũng rất hay và chặt chẽ. Hễ lần nào vô đợt biểu tình thì cứ chốc chốc lại có mấy bà má giống như đi chợ về, tấp vô tiếp tế rất nhiều bánh mì thịt. Khi có sáng kiến dùng chanh nhỏ vô mắt chống lựu đạn cay thì mấy bà đem đến vô số chanh tươi. Thỉnh thoảng, xe ba gác chở đến mấy chục kết nước cam, xá xị. Món này có 2 công dụng. Trước để bồi dưỡng giải khát, sau trở thành 1 thứ vũ khí. Trong số tiếp vận có len lỏi những chiếc xích lô máy vào được. Loại xe này có bình xăng rất to, luôn đầy. Nhanh chóng rút hết xăng ra, chỉ chừa đủ cho mấy chả vọt đi thôi. Thế là chai xá xị rỗng châm đầy xăng, giấy tập được vo lại, nhét làm nút. Đó là bom xăng.
Khuôn viên Tổng hội Sinh viên không lớn, nhưng cũng chừa 1 khoảng sân nhỏ bên hông dãy nhà trụ sở để mở lớp dạy Vovinam. Tôi khoái làm… anh hùng nên ghi danh học. Võ sinh khá đông, nam có nữ có. Tùy theo vóc dáng, thầy chia thành nhiều phiên đội, mang những cái tên mỹ miều như Bồ Câu Trắng, Bông Hồng Vàng... Hồi đó, tôi ốm nhách, cao cẳng, được “sư phò” phân vô đội Trâu Đen. Nhiệm vụ là bảo vệ vòng ngoài cho anh chị em. Võ đường của chúng tôi chỉ là khoảng sân xi măng trần trụi, không mái che và không cả thảm lót, nên việc u đầu, mẻ trán, trầy tay, trặc cẳng là thường. Nhờ vậy, bọn tôi lì đòn lắm!
Trở lại vụ đốt chiếc xe Jeep Mỹ. Chiều hôm ấy, tôi cót két đạp xe vô Tổng hội chuẩn bị buổi học võ. Lúc này, đường sá chật cứng, tiếng reo hò vang dậy. Biểu ngữ xuất hiện khắp nơi, nội dung phản đối chiến tranh, chống đôn quân bắt lính, đòi hòa bình, chống sự can thiệp của Mỹ, chống quân sự hóa học đường, đòi thả tù chính trị, ủng hộ Chính phủ liên hiệp hòa giải dân tộc, ủng hộ tổng tuyển cử thống nhất đất nước... Tôi gởi xe rồi cùng chen vô. Phía bên kia, học sinh Chu Văn An cũng thế. Ban đầu còn gầm gừ sôi sục trong sân, tình thế như nước lũ dâng mấp mé. Sau thì tràn bờ, ùa ra bít kín cả mặt đường Minh Mạng và Hồng Bàng. Bất ngờ 1 chiếc xe Jeep trên có khẩu đại liên đang cất họng lên trời cùng 2 lính Mỹ, đứa cởi trần, thằng áo 3 lỗ, từ hướng đường Lục Tỉnh lên. Vừa quanh bùng binh Ngã Sáu, nó bị kẹt cứng, tiến thoái lưỡng nan giữa đám đông đang hò hét ầm ĩ. Chiếc Jeep trở thành đích ngắm, thành tâm điểm cho mọi người trút bao phấn khích càng lúc càng dữ dội.
Hai thằng lính Mỹ tuổi cỡ 20. Tụi nó ác ôn, phanh thây, mổ ruột người ta ở đâu đó, chứ cảnh tình này lại thấy mắc cười. Chúng như 2 con chuột con mắc rọ, xí xô xí xào, móc súng ngắn bắn chỉ thiên lốp bốp ít phát rồi hoảng quá… bỏ xe, co giò phóng chạy thục mạng, rơi cả nón sắt. Đám đông từ rung lắc, gõ đập chiếc xe chuyển sang lật ngửa lên, chổng ngược cả 4 bánh. Rồi không biết từ hướng nào, 1 chai bom xăng ném phùm vào chiếc xe, phựt cháy. Đoàn người biểu tình dạt ra, vỡ òa, hăng chí hô vang khẩu hiệu.
Chiến dịch đốt xe Mỹ diễn ra đều khắp, nâng con số lên trên 200 khiến chúng sợ hãi, hoảng loạn.
Không lâu sau, mấy chiếc xe sọc rằn từ 4 hướng lù lù tới, tuôn xuống dày đặc cảnh sát dã chiến. Dây thép gai chăng khắp nơi. Bọn chúng trang bị súng phóng lựu, phi tiễn, lựu đạn cay, dùi cui, mặt nạ, thuẫn… dàn hàng ngang nhiều lớp như 1 bức tường, rầm rập tiến lên. Phía tụi tôi, đứa nào đứng đầu là bị đập phun máu, nếu không chịu thối lui để lọt vào “bức tường”, nó khép lại là… sẽ bị đánh nhừ tử và bị ném vào chiếc xe bít bùng chờ sẵn.
Trời nhá nhem, bên Tổng hội và Trường Chu Văn An đều phải rút vào trong, đóng sập cổng sắt lại. Đứa nào bị thương thì vô trong băng bó nghỉ ngơi. Số còn khỏe mạnh lại ra sân đốt lửa trại. Đống củi to không biết ở đâu ra đã nằm giữa đó tự bao giờ. Chúng tôi ngồi thành nhiều vòng tròn lớn quanh đống lửa và bắt đầu hát. Đánh nhịp bằng tiếng vỗ tay và vài cây guitar, mặc kệ đám cảnh sát dã chiến vẫn còn lườm lườm đứng đen ngoài rào.
- “… Dậy mà đi... Dậy mà đi…
Ai chiến thắng không hề chiến bại
Ai nên khôn chẳng khốn một lần…”
Giai điệu trầm hùng như thác đổ, như từ núi cao rừng thẳm vọng về làm lòng người thôi thúc. Sức thanh niên không hề biết mệt, lòng quả cảm chẳng mảy may sợ sệt. Những bài hát đã đi vào hàng triệu trái tim không nao núng của sinh viên, học sinh thuở ấy. Nó được mệnh danh là “Hát cho đồng bào tôi nghe” do Tôn Thất Lập khởi xướng. Phong trào còn có tên chung là “Những đêm không ngủ”.
Chúng tôi biết mình không đơn độc. Đại học Sư phạm Sài Gòn, Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, chỗ này rất ghê vì đối diện Tổng nha Cảnh sát. Trường Kỹ thuật Cao Thắng dẫn đầu có anh Lê Văn Nuôi. Đại học Vạn Hạnh có chị Kim Hạnh - trưởng đoàn tăng cường… Liên tục những cuộc xuống đường bãi khóa. Trên đường Lê Lai, biểu tình ấn tượng lấy tên “Ký giả đi ăn mày” do những người làm báo, tay bị, tay gậy mỉa mai nạn kiểm duyệt “tự ý đục bỏ” và tịch thu báo thô bạo khiến tòa báo phải ném báo ra lộ, phát không. Ý nói báo tư nhân mà cứ phát không như thế mãi thì làm gì mà chẳng đi ăn mày!
Đang hát ngon trớn, bỗng… cúp điện cái rụp. Đèn đường và cả đèn trong khuôn viên đều tắt ngúm, tối om om. Qua ánh lửa bập bùng, tôi thấy rất nhiều bóng đen thường phục trèo rào nhảy vô sân. Thế là mở màn 1 trận tập kích cận chiến. Thứ thư sinh yếu ớt, loại võ sinh cùi bắp như bọn tôi, ăn mới mấy miếng chao làm sao thành Tam Tạng! Coi vậy nhưng tụi tôi đâu có ngán. Dẫu bị đè đầu cỡi cổ, lỡ nằm dưới cũng phun nước miếng lên… chống cự! Loạn đả 1 hồi, chúng lấy thịt áp người quá đáng. Chúng “oánh” bọn tôi tan tác. Nhác thấy sư phò, hồng đai nhị đẳng - thầy gốc Bình Định, thân pháp phi phàm nhưng hơi nhỏ người - sau vài tuyệt chiêu bay lượn đã bị 3 tên hộ pháp chấn nghiến xuống sân xi-măng, tiếng còng thép mổ nghe cái róc. Bọn tôi bèn kiếm đường “chạy”. Sư phò còn xẹp lép kia, sá gì Trâu Đen, Bông Hồng Vàng với chả Bồ Câu Trắng! Nhưng chạy đâu trong khi chỗ nào cũng có bọn ma vương chuyên nghiệp? Bí quá tôi…” điều lắng vô dãy nhà vệ sinh. Vừa khép cửa đã thấy có mấy bạn nữ cũng mặc võ phục trong ấy rồi. Chưa hoàn hồn thì cánh cửa bị giật toang. Tôi chỉ kịp nhìn thấy 1 bóng đen cao lớn khoác pa-đờ-suy, y phụp nhát Atêmi - đòn chặt bằng sống bàn tay - vào ngay mũi tôi. Tôi xịt máu mũi, khuỵu xuống mà còn… ngáp ngáp. Tên hèn đó bồi “khuyến mãi” thêm cú Ha-đăng mắc-ki, cú đấm chết chóc của Taekwondo, Thái cực đạo, vào ngay chỗ cũ. Thế là tôi “tắt đài”, hết biết trời đất…
Đó là vết thương khó lành, trù ếm mãi đời tôi. Tiếp sau, còn thêm 1 vết thương không thể phai phôi nữa. Năm ấy, tôi học ầu ơ ví dầu sao đó mà được đề nghị học bổng toàn phần của Trung tâm Văn hóa Pháp, nay là IDECAF. Sáng sớm, tôi đi làm giấy passport, được gọi riêng vào phòng, gặp 1 sếp ú núc, bụng phệ. Sếp có gương mặt luôn luôn cười, cười thường trực, cười không thành tiếng. Sếp lấy từ xấp tài liệu, thảy lên bàn tấm ảnh cỡ 6x9cm, lại cười, nói:
- Phải mày đây hông… “ku”!?
Tôi rướn nhìn, đúng là hình của mình, được chụp khá cận cảnh, đang há mồm đầy khí thế, giữa rừng người và biểu ngữ. “Ku” tôi run run ậm ờ khẽ gật. Vậy là tôi không được đi du học!
Tôi ra về với tâm trạng bối rối, vì không biết tìm lời lẽ gì để giải thích với cha mẹ. Nhưng nếu ai hỏi tôi có ân hận hay không, tôi sẽ trả lời không. Tôi biết con đường mình đi là đúng.
Bây giờ nhớ lại, chúng tôi rất đỗi tự hào, vì đã góp vài tiếng nói nhỏ bé vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở mọi nơi, mọi thời đại, học sinh, sinh viên luôn được trọng vọng vì đó là tương lai, là tiền đồ của Tổ quốc, dân tộc. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào thế hệ sinh viên hôm nay, hãy tiếp nối hoài bão, hãy học hành thật giỏi, ra sức dựng xây quê hương ngày càng tươi đẹp hơn để có thể tự hào sánh vai với bè bạn năm châu.