Nâng cao chuỗi giá trị trái chôm chôm

11/04/2025 - 05:21

BDK - Mấy năm nay, bà con trồng chôm chôm vụ nghịch tại xã Phú Phụng (Chợ Lách) bán được giá nên lợi nhuận cao. Đồng thời, hợp tác xã (HTX) hướng dẫn bà con trồng chôm chôm theo chuẩn VietGAP, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu góp phần nâng cao chuỗi giá trị trái chôm chôm.

Sơ chế chôm chôm xuất khẩu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Phụng (huyện Chợ Lách).

Xử lý ra trái nghịch vụ

Cây chôm chôm gắn bó lâu đời với bà con huyện Chợ Lách, đặc biệt ở các xã như: Long Thới, Sơn Định, Phú Phụng, Vĩnh Bình… Trước đây, hầu hết bà con đều cho ra trái tự nhiên nên thường “đụng hàng” với chôm chôm ở các tỉnh khác nên giá rẻ. Gần đây, nhiều nhà vườn đã sử dụng kỹ thuật cho ra trái vụ nghịch, liên kết trong sản xuất nên đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị chôm chôm. Từ đó, thu nhập của bà con ổn định và tiếp tục gắn bó với cây chôm chôm.

Đến HTX Nông nghiệp Phú Phụng (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách), có khoảng 10 nhân công đang tất bật đóng gói, vô hộp sản phẩm chôm chôm để xuất khẩu. Năm nay, chôm chôm Thái vụ nghịch có giá từ 70 - 80 ngàn đồng/kg nên bà con thành viên HTX rất phấn khởi. Đây là mô hình liên kết mang lại hiệu quả cao trong xây dựng chuỗi giá trị trái chôm chôm. Ông Võ Tấn Truyền, thành viên HTX Nông nghiệp Phú Phụng canh tác 8.000m2 chôm chôm cho biết: “Trước đây bà con trồng chôm chôm bán cho thương lái với giá bấp bênh, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là vào vụ thuận. Từ ngày vào HTX, được tập huấn kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và được HTX bao tiêu đầu ra với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Hầu hết bà con đều áp dụng xử lý cho ra trái nghịch vụ nên lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất chôm chôm vụ thuận như trước đây”.

Hiện tại, HTX có 125 thành viên và được cấp 2 mã số vùng trồng chôm chôm và đạt chuẩn OCOP 4 sao. HTX đang hoàn thiện hồ sơ để cấp 1 mã số vùng trồng sầu riêng. Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Phụng Phạm Hồng Tùng cho biết: “Sản phẩm chôm chôm của HTX được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Canada, Nga, Trung Đông… Trung bình mỗi ngày HTX xuất khẩu từ 10 - 20 tấn nên bảo đảm bao tiêu đầu ra sản phẩm chôm chôm cho bà con thành viên với giá ổn định, cao hơn thị trường”. Theo ông Tùng, trong thời gian qua, HTX được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật để bà con canh tác chôm chôm đạt chuẩn xuất khẩu. HTX đang cần Nhà nước hỗ trợ mặt bằng, kho bãi để thu mua, chế biến, đóng gói nhằm giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Phú Phụng Nguyễn Hoàng Triệu, toàn xã có 494ha chôm chôm gồm các giống như: Java, nhãn, Thái. Những năm gần đây, bà con áp dụng kỹ thuật phủ bạt, xiết nước để chôm chôm ra trái vụ nghịch nên giá cả ổn định. Trong thời gian qua, bà con trồng chôm chôm tại các tổ hợp tác được hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, khoa học kỹ thuật trong trồng chôm chôm đạt chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX bao tiêu sản phẩm của bà con để tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu nên bà con rất an tâm.

Đạt chuẩn OCOP 4 sao

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Trên địa bàn có 14 HTX, trong đó có 2 HTX cây ăn trái hoạt động rất hiệu quả. Mô hình HTX Nông nghiệp Phú Phụng sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ, mang lại hiệu quả rất cao cho bà con thành viên. Đây là HTX điển hình của địa phương với sản phẩm chôm chôm đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao và đang xây dựng sản phẩm sầu riêng đạt chuẩn OCOP để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thu hoạch chôm chôm tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách.

Hiện nay, toàn tỉnh có 145 HTX nông nghiệp và 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp với 33.781 thành viên, tổng số vốn điều lệ 56,714 tỷ đồng. Trong đó, có 75 HTX tham gia vào xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Toàn tỉnh có 17 vùng trồng nội địa với diện tích trên 808ha, có 43 vùng trồng xuất khẩu được cấp 93 mã số đang hoạt động với diện tích trên 705ha, có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương đạt 25,6% (24.640ha). Diện tích được thực hiện liên kết đạt 20,6%.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Huỳnh Quang Đức cho rằng, trong thời gian qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các HTX đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển mô hình HTX kiểu mới theo hướng tích cực và đa dạng, phù hợp với nhu cầu sản xuất của người nông dân. Hiện các HTX từng bước khắc phục những tồn tại, đổi mới công tác quản lý và điều hành, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và định hướng hoạt động, tổ chức thêm ngành nghề, dịch vụ mới, chủ động hơn trong cơ chế thị trường, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực (nhân lực quản lý và chuyên môn) đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở HTX. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy kết nối phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sản xuất quy trình thực hành nông nghiệp tốt; hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của HTX nông nghiệp như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Bài, ảnh: Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN