Thảo luận tổ về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

25/05/2024 - 11:24

BDK.VN - Tham gia thảo luận Tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào chiều 24-5-2024 đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thống nhất với sự cần thiết phải ban hành 2 dự thảo Luật vì phù hợp với tình hình thực tiễn đã và đang diễn ra.

Đại biểu Võ Văn Hội tham gia thảo luận tại Tổ 9, chiều ngày 24-5-2024

Theo đại biểu, tình hình sử dụng vũ khí tự chế hiện nay rất phức tạp, các băng nhóm xã hội đen tự ý sử dụng, mua sắm thông qua các mạng xã hội để sử dụng thanh toán lẫn nhau nên đại biểu cho rằng Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được điểu chỉnh trong thời điểm này rất kịp thời và phù hợp, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có đủ cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Góp ý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu cho rằng, thứ nhất, về quy định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại khoản 1, Điều 13 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép mang tối đa 10 khẩu súng ngắn kèm theo cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) và công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để làm nhiệm vụ bảo vệ. Trường hợp mang nhiều hơn 10 khẩu súng ngắn hoặc chủng loại khác và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an”. Đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép mang tối đa 10 khẩu súng ngắn kèm theo cơ số đạn, phụ kiện kèm theo như vậy là chưa đầy đủ, đề nghị quy định cụ thể số lượng “cơ số đạn” được kèm theo (như bao nhiêu cơ số đạn cho một khẩu súng) để trang bị thống nhất trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Thứ hai, về quy định đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ, tại khoản 1, Điều 53 dự thảo luật quy định đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ gồm 15 nhóm nhưng theo đại biểu nội dung quy định này chưa đầy đủ. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ là “lực lượng dân phòng” và điều chỉnh điểm m, khoản 1, Điều 53 lại như sau: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và lực lượng dân phòng” vì lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nên cũng phải được trang bị công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, về thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tại khoản 4, Điều 64 dự thảo luật quy định “Cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện và đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên thực hiện việc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”. Đại biểu cho rằng, trên thực tế cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện sẽ khó thực hiện vì quá trình tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rất phức tạp, mỗi năm tiêu hủy số lượng lên đến vài tấn và khoảng cách vận chuyển từ cấp tỉnh lên các trường bắn của quân khu rất xa, do đó đòi hỏi cần phải là lực lượng chuyên ngành như lực lượng công binh mới tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đảm bảo, trong khi cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện không có lực lượng công binh (mỗi huyện chỉ có một trợ lý công binh) dễ dẫn đến mất an toàn khi thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại khoản 4, Điều 64 như sau: “Cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp tỉnh và đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên thực hiện việc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.”

Thứ tư, về vận chuyển công cụ hỗ trợ, tại điểm d, khoản 1, Điều 57 quy định “Không được chở công cụ hỗ trợ và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển”, đại biểu đề nghị thay thế từ “chở” bằng từ “vận chuyển” cho thống nhất nội dung cả dự thảo luật.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm một Điều vào dự thảo Luật quy định về xử lý vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ để có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm khi có xảy ra.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, địa biểu Võ Văn Hội cho rằng, về chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam (khoản 6, Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 12) và biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam (khoản 7, Điều 1, bổ sung Điều 12a vào sau Điều 12): Đại biểu cho rằng, nội dung quy định tại Điều 12 và Điều 12a có cùng một nội dung nên đề nghị nhập hai điều này lại thành một điều sẽ phù hợp hơn.

Về sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt (khoản 13, bổ sung Điều 20a sau Điều 20), dự thảo luật quy định: “Giấy bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân sử dụng để thực hiện công tác cảnh vệ”. Đại biểu đề nghị quy định giấy bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ Công an nhân dân làm nhiệm vụ; giấy bảo vệ đặc biệt của Quân đội nhân dân thì do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cấp cho đúng thẩm quyền.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN