Tổng kết Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2023

26/01/2024 - 19:31

BDK.VN - Chiều 26-1-2024, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến “Tổng kết Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2023”.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnhĐại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Tham dự điểm cầu tỉnh có Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh, Phó giám đốc BHXH tỉnh Lê Tuấn Kiệt cùng lãnh đạo các cơ sở, trung tâm y tế trong tỉnh.

Năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT là 58% dân số, tăng 11% so với năm 2008. Năm 2015 thực hiện Luật BHYT sửa đổi bổ sung, số người tham gia BHYT là 68,5 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 74,9% dân số. Tính đến 31-12-2022, số người tham gia BHYT là 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số.

Từ khi triển khai Luật BHYT chính sách khám chữa bệnh (KCB) BHYT đạt được nhiều kết quả, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quyền lợi về KCB BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngày càng mở rộng, sử dụng ở nhiều đơn vị y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế.

Quy định thông tuyến đã tạo động lực cho các cơ sở y tế - nơi người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu và các cơ sở KCB thuộc tất cả các tuyến nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT. Chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày một tốt hơn của người bệnh có thẻ BHYT. Quỹ BHYT được BHXH Việt Nam quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch và có sự phân cấp quản lý trong hệ thống tổ chức BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT.

Dù mang lại nhiều hiệu quả tuy nhiên Luật BHYT vẫn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và tác động đến cơ sở y tế. Còn nhiều lỗ hổng khiến cho công tác quản lý BHYT chưa chặt chẽ. Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến sửa đổi Luật BHYT trong thời gian tới.

Hiện nay, Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật BHYT sửa đổi, Luật Thiết bị, Luật Dược sửa đổi… để trình theo đúng tinh thần Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội.

Theo đề xuất của Cục BHYT có 2 phương án lựa chọn sửa đổi đổi mới để trình cấp thẩm quyền. Phương án 1: Giữ nguyên bố cục của Luật về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện như hiện nay, chỉ sửa, bổ sung một số điều để giải quyết một số bất cập, vướng mắc (giải thích từ ngữ, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đối tượng tham gia BHYT, mức hưởng khi đi KCB không đúng quy định…).

Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung Luật, giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập: Cơ cấu lại việc hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước; quy định về các gói BHYT. Phương án này thì cần phải sửa nhiều điều, thay đổi Luật, đòi hỏi phải có thời gian nhưng sẽ bảo đảm tính khoa học, thống nhất, minh bạch, xác định trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong chỉ đạo thực hiện chính sách.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN