Trên 16 ngàn thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10  

05/06/2024 - 05:34

BDK - Sáng nay (5-6-2024), khoảng 16 ngàn thí sinh (TS) trên địa bàn toàn tỉnh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025. Dù đã chuẩn bị kỹ càng các kiến thức nhưng TS không khỏi áp lực trước kỳ thi quan trọng mang tính bước ngoặt của đời học sinh. Giai đoạn này những lời khuyên, sự động viên, cổ vũ từ giáo viên, người thân, góp phần giải tỏa tâm lý thi cử.

Thí sinh dò danh sách phòng thi tại Hội đồng coi thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre).  

Thể hiện sự tin tưởng

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là kỳ thi quan trọng để học sinh lớp 9 lựa chọn ngôi trường THPT công lập phù hợp. Nếu kết quả thi không tốt, các em sẽ phải rẽ hướng sang trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề. Do đó, áp lực học tập, thi cử khiến không ít TS lo lắng.

Anh Trần Văn Lộc (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) cho biết: Con trai lớn của anh lo lắng trước kỳ thi, ăn uống thất thường, thường xuyên ngủ quên trên bàn học.

Tương tự, chị Huỳnh Mỹ Hạnh (xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) chia sẻ: Cận ngày thi, con chị ít nói chuyện với gia đình, ngồi giải đề thi đến nửa đêm, gương mặt lúc nào cũng uể oải. Hiểu được tâm lý lo lắng của con, chị Mỹ Hạnh động viên, khích lệ tinh thần, thể hiện sự tin tưởng với con để con cảm thấy thoải mái, bớt áp lực.

Theo chị Mỹ Hạnh, thời gian này, gia đình luôn tạo môi trường ôn tập ổn định, lắng nghe và chia sẻ với con nhiều hơn, giúp con có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, khuyến khích con chơi thể thao,… Chị Hạnh còn chuẩn bị các món thức ăn như: chè đậu, bắp... cho con với hy vọng “con vững kiến thức, tự tin để làm tốt bài thi”.

Càng đến ngày thi, TS dễ dàng bị cuốn vào tâm trạng không chắc chắn, lo sợ ôn bài chưa đủ, còn nhiều kiến thức phải bổ sung... Tuy nhiên, đây không phải là cách ôn thi hiệu quả. Theo kinh nghiệm thi cử, để đạt được kết quả tốt tại kỳ thi, TS cần chú ý đến ba yếu tố chính, gồm: sức khỏe, tinh thần và năng lực học tập.

Tránh thức khuya

Em Phạm Khánh Duy - Sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre, từng đạt danh hiệu thủ khoa tại 3 kỳ thi: tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020, thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thủ khoa Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Khánh Duy đã trải qua rất nhiều giai đoạn ôn luyện cho các kỳ thi trong suốt 12 năm học và em có cho mình những kinh nghiệm riêng.

Khánh Duy chia sẻ: Tâm lý lo sợ cận kề ngày thi là điều không tránh khỏi và có thể khiến các bạn quên đi một số kiến thức tưởng chừng như không thể quên. Việc ôn lại bài sẽ giúp lấp đầy những khoảng trống này và hơn nữa, giúp ta tự tin hơn, ổn định hơn về tâm lý. Tuy nhiên, cần chú ý đến sức khỏe của bản thân và đảm bảo giấc ngủ, tránh thức quá khuya.

“Học sinh cần ngủ đủ giấc trong 2 tuần trước ngày thi, thức dậy đúng thời gian được dự định khi đi thi để đồng hồ sinh học quen với thời gian đó, đến ngày đi thi không bị mệt. Ngoài ra, thay vì ôn bài một mình, học sinh có thể tạo thành nhóm ôn tập tại nhà, vừa tạo không khí học tập thoải mái, vừa có thể chia sẻ kiến thức cho nhau”, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Phụ huynh quan tâm động viên giúp thí sinh thoải mái tâm lý trước kỳ thi.

Lưu ý cách làm bài thi

Theo Khánh Duy, trong quá trình làm bài thi, điều quan trọng nhất là luôn đọc khái quát toàn bộ đề thi trước khi bắt đầu làm những câu hỏi cụ thể. Vì như vậy, các bạn có thể phân bố thời gian phù hợp cho từng mức độ câu hỏi. Khi gặp phải câu hỏi khó, không có hướng làm hoặc sau khi đã giải quyết xong nhưng không có đáp án, đừng quá hoảng loạn. Lúc này, điều tốt nhất nên làm là hãy sáng suốt lựa chọn những câu hỏi khác khả thi hơn và quay lại sau khi đã hoàn thành các phần khác. Đừng vì tiếc mà gây lãng phí quá nhiều thời gian.

Thầy Mai Hữu Vinh - Giáo viên tổ môn Toán, Trường THPT Chuyên Bến Tre cho hay: Để làm bài thi đạt kết quả, khi vào trong phòng thi, TS giữ tinh thần thật thoải mái, có thể nhắm mắt thư giãn, hít thở sâu, đều đặn. Sau khi nhận đề thi, các em nhất định phải đọc kỹ, kiểm tra trang in đề thi có rõ không, thiếu trang, thiếu nét… để kịp thời báo với giám thị phòng thi. Thầy Vinh lưu ý các TS trình bày trên giấy nháp, mỗi bài toán đều có một mấu chốt, một “chìa khóa” để giải quyết nên khi nháp ra kết quả cần phải đóng khung để khoanh vùng lại nhằm tiện kiểm tra lại hoặc sau khi làm xong bài tiếp theo quay lại kiểm tra mà không bị lẫn sang bài khác. Việc trình bày lời giải cần phải chặt chẽ, lập luận logic từng bước một, tránh bỏ bước làm quan trọng. Đối với bài tự luận hình học (trong bài thi chuyên Toán) - bài chiếm khoảng 30% tổng số điểm bài thi. Khi vẽ hình bài toán, TS chú ý đề bài cho hình gì thì hãy vẽ hình đó và làm đến đâu vẽ hình đến đó.

“Thực tế nhiều TS khi làm bài lại vẽ chung tất cả hình vào một hình. Một bài toán có nhiều phần mà lại vẽ chung tất cả vào một hình sẽ rất khó quan sát, quan trọng là hình vẽ phải làm sao nhìn được và rõ hình, phải khai thác các tính chất trên hình đó thì mới giải bài toán được tốt. Nếu biểu thị sai mối quan hệ giữa các đại lượng trong đề bài, quên không đặt điều kiện bài toán, tính toán bị sai trong quá trình biến đổi, hoặc diễn đạt, trình bày lời giải chưa logic… sẽ làm hạn chế kết quả làm bài. Do đó, TS cần đọc kỹ đề, tự phân dạng, phân tích các dữ liệu để giải quyết triệt để các yêu cầu mà bài toán đặt ra”, thầy Hữu Vinh lưu ý.

Trước thềm kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thầy Mai Hữu Vinh - Giáo viên tổ môn Toán, Trường THPT Chuyên Bến Tre chúc các bạn TS luôn tự tin để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi. Đồng thời, nhắc nhở TS chuẩn bị sớm và đầy đủ thẻ dự thi, giấy tờ tùy thân, dụng cụ cần thiết cho kỳ thi. Phải có ít nhất 2 cây bút cùng màu, không nên sử dụng bút màu nước vì dễ bị lem mực, máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản và các dụng cụ được phép mang vào phòng thi theo quy chế thi.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN