Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Kim Dung tặng quà cho công nhân lao động khó khăn tại Công ty TNHH May mặc Alliance One, Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành). Ảnh: CTV
Thực trạng công tác hỗ trợ người lao động
Qua khảo sát cho thấy hiện nay trong tỉnh có 288 hộ nghèo là công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có 99 đoàn viên là chủ hộ, 189 đoàn viên thuộc hộ nghèo; 321 hộ cận nghèo là CNVCLĐ, trong đó có 80 đoàn viên là chủ hộ, 241 đoàn viên thuộc hộ cận nghèo; 352 đoàn viên, người lao động (NLĐ) bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo và bị tai nạn lao động, trong đó có 187 đoàn viên, NLĐ bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo và 165 đoàn viên, NLĐ bị tai nạn lao động tỷ lệ thương tật trên 35%.
Trong những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách đối với gia đình khó khăn, gia đình nghèo, cụ thể là vốn vay phát triển sản xuất từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, hàng năm giải ngân cho 43 người vay giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống. Phối hợp với Tổ chức Tài chính Vi mô CEP Chi nhánh Bến Tre hàng năm cho các hộ gia đình vay phát triển kinh tế hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nhiều hoạt động, mô hình giảm nghèo hiệu quả, đoàn viên công đoàn, CNLĐ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, qua đánh giá thực tiễn, công tác giảm nghèo trong đoàn viên, CNLĐ còn một số hạn chế nhất định. Đó là chính sách dành cho hộ nghèo nhiều nhưng chưa phát huy hết được tác dụng, chưa cải thiện thu nhập. Công tác giảm nghèo chủ yếu là thực hiện chính sách trợ cấp, trợ giúp; mô hình nâng cao thu nhập chưa nhiều, chưa đánh giá được hiệu quả sử dụng vốn vay; đoàn viên, NLĐ chưa phát huy tốt khả năng, kỹ năng của chính bản thân mình nên việc giảm nghèo chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả.
Phấn đấu giảm từ 6 - 10% hộ nghèo/năm
Để đảm bảo an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng Kế hoạch số 316/KH-LĐLĐ ngày 30-8-2022 tổ chức thực hiện “Hậu phương NLĐ” giai đoạn 2022 - 2025. Với mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp công đoàn trong việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách để hỗ trợ hậu phương của đoàn viên và NLĐ, nhằm làm tăng giá trị và năng suất lao động của CNLĐ.
Thực hiện kế hoạch “Hậu phương NLĐ” giai đoạn 2022 - 2025, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh yêu cầu các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức quán triệt Kế hoạch số 316/KH-LĐLĐ của LĐLĐ tỉnh sâu rộng trong đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu được mục đích, ý nghĩa của chủ trương này. Rà soát, khảo sát và xác định nhu cầu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện hỗ trợ theo nhu cầu của từng hộ gia đình, trên tinh thần dễ làm trước, khó làm sau, hộ nào có điều kiện thoát nghèo tập trung hỗ trợ để tạo hiệu ứng tích cực, sự lan tỏa trong cộng đồng. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, bệnh nan y hiểm nghèo, tai nạn lao động được chăm lo, hỗ trợ định kỳ. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn, Tổ chức Tài chính Vi mô CEP Chi nhánh Bến Tre rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ vốn vay tạo sinh kế cho họ thoát nghèo...
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm từ 6 - 10% hộ nghèo, hộ cận nghèo trong CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh. Tính bình quân mỗi năm có từ 40 - 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện cải thiện sinh kế, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh. Trong đó: Năm 2022, thăm hỏi, động viên 100% bệnh nan y hiểm nghèo, tai nạn lao động tỷ lệ thương tật trên 35%. Năm 2023, có từ 6 - 10% hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; thăm hỏi, động viên 100% bệnh nan y hiểm nghèo, tai nạn lao động tỷ lệ thương tật trên 35%. Năm 2024, có từ 6 - 10% hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; thăm hỏi, động viên 100% bệnh nan y hiểm nghèo, tai nạn lao động tỷ lệ thương tật trên 35%. Năm 2025, có từ 6 - 10% hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; thăm hỏi, động viên 100% bệnh nan y hiểm nghèo, tai nạn lao động tỷ lệ thương tật trên 35%. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện “Hậu phương NLĐ” ở các cấp công đoàn. Đồng thời, vận động các nguồn lực như hỗ trợ vốn, công tác chăm lo, an sinh xã hội cho đoàn viên, NLĐ, đảm bảo đoàn viên, NLĐ an tâm lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 12-10-2022, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Phúc Linh đã chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực hiện “Hậu phương NLĐ” giai đoạn 2022 - 2025. Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Phúc Linh, đây là chủ trương được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh triển khai để phát huy vai trò của các cấp công đoàn trong tham gia thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh sẽ đưa nội dung này vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của các đơn vị; bổ sung vào mục tiêu, phương hướng và giải pháp trong Văn kiện Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028. |
Phương Nga