 |
Mít-tinh diễu hành nhân ngày phòng chống ma túy và AIDS. Ảnh: T.Long |
Đầu năm 2014, tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là xuất hiện nhiều nhóm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp (còn gọi là hàng đá).
Đây là loại ma túy nguy hiểm, dễ sử dụng, dễ bị lệ thuộc và lôi kéo nhiều thanh, thiếu niên tham gia. Việc tổ chức sử dụng loại ma túy này thường ở các quán cà phê, phòng karaoke, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê, nên rất khó phát hiện, đấu tranh và triệt phá. Nguồn ma túy xâm nhập vào địa bàn tỉnh chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Phần lớn người nghiện ma túy trên địa bàn là nam, có tuổi đời từ 17 đến 30. Qua khảo sát, 106/164 xã, phường trong tỉnh có người sử dụng ma túy.
Trước tình hình gia tăng tội phạm ma túy và nghiện ma túy, trong năm 2014, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh với phương châm “hướng về cơ sở”. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Liên đoàn Lao động tỉnh đều có phối hợp theo kế hoạch về tuyên truyền, giáo dục, triển khai các hoạt động quản lý, đối thoại với người phạm tội, vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội tại các địa phương, nhất là đối tượng sau cai nghiện ma túy. Trong đó, Đoàn Thanh niên và Công an giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03 về “phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên” qua mô hình “Câu lạc bộ thắp sáng niềm tin” ở các xã điểm: Phú Hưng (TP. Bến Tre), Lương Quới (Giồng Trôm) và Tân Thạch (Châu Thành). Qua thực hiện, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn cơ sở được nâng lên, góp phần trong công tác tuyên truyền, giáo dục ngăn chặn phát sinh người nghiện mới.
Công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan triển khai thành lập các đội công tác tình nguyện ở các địa phương có nhiều người nghiện ma túy; tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn phòng ngừa phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm và cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, mại dâm” ở Phường 4 (TP. Bến Tre) và các xã: Phước Long, Thạnh Phú Đông, Long Mỹ (Giồng Trôm); tiếp tục phối hợp với UBND phường Phú Khương xây dựng mô hình điểm về “tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng”.
Từ sự phối hợp thực hiện trên, đến nay, đã có hàng chục đối tượng vào cai nghiện mới. Các địa phương đã tư vấn và hỗ trợ tâm lý nhiều thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập vững chắc với cộng đồng. Các câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” đã cảm hóa hàng trăm thanh, thiếu niên chậm tiến có việc làm và trở thành người tốt trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, người nghiện ma túy còn cao, tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm mua bán và tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp. Công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại gia đình. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy, nhất là đối với số học sinh bỏ học, chơi bời lêu lổng, số thanh niên chưa có việc làm ổn định; tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm và người nghiện ma túy; can thiệp trợ giúp người sau cai nghiện tại cộng đồng. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy, tập trung triệt phá, xóa các điểm, tụ điểm bán lẻ, sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, không để kéo dài và hình thành điểm nóng.