Anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

18/10/2024 - 05:19

BDK - Xin giới thiệu đến độc giả quyển sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”, sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2024.

Bìa quyển sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”.

Đồng chí Lý Tự Trọng (1914 - 1931) tên thật là Lê Hữu Trọng, quê gốc ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí thuộc lớp đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên. Được sinh ra trong gia đình cách mạng, giàu truyền thống yêu nước, từ thuở nhỏ, Lý Tự Trọng đã được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, đến khi được học tập và hoạt động trong môi trường cách mạng, đồng chí càng thể hiện tư chất và bản lĩnh của một người cộng sản kiên trung. Cuộc đời Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của đồng chí đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên noi theo. Câu nói bất hủ của anh hùng Lý Tự Trọng “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác…” trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng (20-10-1914 - 20-10-2024), xin giới thiệu đến độc giả quyển sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”, sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2024.

Tác giả quyển sách là Dương Trọng Phúc - hiện là Phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng thuộc Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Với hơn 20 năm tham gia công tác Đoàn, với sự ngưỡng mộ sâu sắc và lòng kính trọng về người anh hùng trẻ tuổi đã dành trọn vẹn tuổi thanh xuân vì lý tưởng của Đảng và cách mạng, đồng thời nhằm hệ thống lại các nguồn sử liệu để cung cấp thêm những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng, tác giả đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện tập sách này.

Sách dày 144 trang với những thông tin phong phú, nhiều nội dung mới lần đầu công bố. Mở đầu tập sách giới thiệu đến độc giả một số hình ảnh liên quan đến anh hùng Lý Tự Trọng, đầu tiên là bức chân dung đồng chí Lý Tự Trọng qua phục dựng của tác giả Nguyễn Quốc Anh; kế đến là ảnh chụp bằng Tổ quốc ghi công của đồng chí Lý Tự Trọng; Nghị quyết của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc trao thẻ đoàn viên số 01 cho đoàn viên Lý Tự Trọng. Và từ những tư liệu đã tìm hiểu được, tác giả lựa chọn 17 vấn đề liên quan đến anh hùng Lý Tự Trọng (con số này cũng chính là số tuổi của đồng chí Lý Tự Trọng khi bị thực dân Pháp xử tử) để kiến giải, minh chứng nhằm làm rõ thông tin liên quan đến anh hùng Lý Tự Trọng. Đó là tìm hiểu nguyên quán, nơi sinh và gia đình của Lý Tự Trọng; Một số nhân vật có liên quan đến Lý Tự Trọng khi ở Xiêm; Trường học của Lý Tự Trọng ở Xiêm; Hành trình từ Xiêm sang Trung Quốc của Lý Tự Trọng; tên gọi và các bí danh của Lý Tự Trọng; Trường học của Lý Tự Trọng ở Trung Quốc; Lý Tự Trọng tham gia khởi nghĩa Quảng Châu; Thời gian về Việt Nam của Lý Tự Trọng; Một số hoạt động của Lý Tự Trọng ở Sài Gòn trước khi bị thực dân Pháp bắt…

Trong cuốn sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử” có những dòng ghi chép của nhà báo Andrée Viollis (là nữ phái viên báo Petit Parisien - Pháp) về Lý Tự Trọng, trong đó có những dòng mang ý nghĩa sâu sắc: “Huy (tức Lý Tự Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đường phố, tiếng la hét của tù chính trị (…). Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu “Việt Nam! Việt Nam!”. Huy cũng như Phạm Hồng Thái, cũng như nhiều người khác, là những anh hùng của nền độc lập Việt Nam...”.

Bên cạnh đó, tập sách còn ghi lại những lần Bác Hồ nhắc đến nhóm Thiếu niên cộng sản và Lý Tự Trọng trong các bài viết, bài nói, điển hình như: Lý Tự Trọng là người thanh niên cộng sản Việt Nam đã anh dũng hy sinh cho cách mạng; Đồng chí Lý Tự Trọng đã noi gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo…

Cuốn sách là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử dân tộc, phục vụ cho công tác Đoàn - Hội - Đội cũng như công tác nghiên cứu về lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Huỳnh Anh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN