
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (bìa trái) trút mẻ bê-tông cuối cùng để hợp long cầu Rạch Miễu, tháng 8-2008. Ảnh: Tư liệu
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, bên cạnh sự nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu của toàn Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà, Bến Tre luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ to lớn của Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã có nhiều chuyến thăm và làm việc tại tỉnh.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn, tình cảm sâu sắc trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Dưới đây là ghi nhận ý kiến của một số đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh về cố Thủ tướng.
Để lại dấu ấn sâu sắc đối với Bến Tre
“Trong các cuộc kháng chiến, Bến Tre có nhiều cống hiến góp phần cùng với cả nước giành lại độc lập, tự do, đặc biệt là phong trào Đồng khởi năm 1960. Vì thế, để người dân Bến Tre nghèo đói là có phần trách nhiệm của Trung ương”. Đó là câu nói của cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thới (nhiệm kỳ 1996 - 2000), trong chuyến công tác tại Bến Tre vào những năm 2000.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thới
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thới chia sẻ: Trong những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã qua đời ở tuổi 85. Đây là sự mất mát lớn lao không chỉ của gia đình, người thân mà còn của người dân trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có Bến Tre. Khi còn đương nhiệm, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã góp phần giúp Bến Tre sớm hoàn thành công trình cầu Rạch Miễu. Tôi còn nhớ vào những năm 2000, khi dự án cầu Rạch Miễu còn nằm trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả khi, đặc biệt là đang chờ Bộ Tài chính thông qua thời gian thu phí, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã cho chủ trương để sớm thông qua và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình mang dấu ấn lịch sử và đây cũng chính là bước đệm quan trọng để giúp tỉnh phát triển được như ngày hôm nay.
Chú Sáu Khải rất bình dị, dễ gần
“Ngày trước, mỗi khi ra Hà Nội họp, mọi người gọi mấy chú là nhóm khói lửa. Dân kháng chiến, chú Sáu Khải ghiền thuốc lá, nghỉ giải lao 10 phút là chú Sáu tranh thủ ra ngoài hút thuốc. Mình cũng ghiền nên đi theo, riết thành một nhóm” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be nhớ lại và mở đầu câu chuyện về một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước - cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be
Trong hồi ức của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be, cố Thủ tướng Phan Văn Khải như người cha, người chú trong gia đình. Tình cảm ấy không chỉ dừng lại ở cương vị lãnh đạo cấp trên cấp dưới mà hơn hết đó là tình cảm của những người trưởng thành từ trong kháng chiến. Chính điều này đã đưa cố Thủ tướng và nguyên Bí thư Tỉnh ủy đến gần nhau hơn. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, chú Huỳnh Văn Be chỉ dùng từ “chú Sáu Khải” để nói lên tình cảm, sự kính phục của mình đối với cố Thủ tướng.
Ngừng vài giây, chú kể: Khi đương nhiệm, dù là nguyên thủ quốc gia nhưng cố Thủ tướng có cuộc sống rất bình dị, dễ gần. Còn nhớ, mỗi lần địa phương ra Hà Nội xin gặp Thủ tướng, chú Sáu Khải bảo để chú coi rảnh, tối mấy đứa đến. Những khi xong việc thì mọi người quây quần cùng “chú Sáu” trò chuyện. Thế đấy, phong cách một vị nguyên thủ quốc gia là vậy, đời thường giản dị, trong sáng. Trong chỉ đạo, điều hành thì quyết liệt nhưng không bằng mệnh lệnh mà bằng tình cảm, bằng sự hướng dẫn để địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình.
Quay về những năm nguyên Bí thư Tỉnh ủy còn là Chủ tịch UBND tỉnh. Thời ấy, kinh tế tỉnh còn lắm khó khăn, thu ngân sách mỗi năm chỉ gần 60 tỷ đồng. Các xã biển nghèo xơ xác, những tháng mùa khô tỉnh phải cứu trợ. Trong điều kiện kinh tế chưa hướng mở, địa phương đã về Hà Nội để báo cáo tình hình hiện tại, cùng với đó mời Thủ tướng về làm việc tại tỉnh. Sau khi khảo sát nắm tình hình thực tế, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt đưa kinh tế Bến Tre chuyển mình.
“Làm gì miễn có lợi cho dân là được, mấy cháu xem lợi thế địa phương mình mà tập trung làm mấy việc” - câu nói cố Thủ tướng nhắn gửi lãnh đạo tỉnh thời đó. Việc thứ nhất tỉnh cần quy hoạch lại kinh tế tổng thể của địa phương. Trong đó tập trung vào kinh tế biển và kinh tế vườn.
Được mở đường, tỉnh lập đề án quy hoạch kinh tế 3 huyện biển và rất thành công. Song song đó, tỉnh hình thành vùng kinh tế vườn gồm huyện Chợ Lách, một phần huyện Châu Thành, một phần huyện Mỏ Cày, còn lại vùng giữa trồng dừa. Nhờ xác định đúng hướng đi, bằng giải pháp thiết thực, từ đây kinh tế tỉnh đã có bước phát triển, đời sống người dân, nhất là các huyện biển được nâng lên đáng kể.
Công trình thứ hai mang dấu ấn đối với tỉnh là cống đập Ba Lai. Dự án được Trung ương phê duyệt năm 2000, chính thức đưa vào sử dụng năm 2004, công trình đã phát huy hiệu quả tích cực ngoài mong đợi. Công trình không những ngăn mặn, trữ ngọt mà cải tạo đất mang lại màu xanh bạt ngàn cho các huyện Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm.
Người con ưu tú của đất nước, niềm tự hào của nhân dân Nam Bộ, một ngôi sao phương Nam đã tắt. Con người mà bao lần ra đi vì bão táp chiến tranh rồi cũng bao lần trở lại nhưng cuộc chia tay này là mãi mãi. Với Tổ quốc, người chiến sĩ cộng sản Phan Văn Khải là một đại công thần, là người con trung với Đảng, hiếu với dân, tất cả vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Với bạn bè, đồng chí, ông xứng đáng được tôn vinh là “chú Sáu” thân thương.
Cố Thủ tướng có tình cảm đặc biệt với bộ đội
Khi còn đương nhiệm, đại tá có dịp cùng đoàn lãnh đạo tỉnh tiếp cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm làm việc tại tỉnh. Với phong cách nhẹ nhàng, giọng nói từ tốn, cố Thủ tướng tạo cho người đối diện cảm giác dễ gần. Là người lớn lên, trưởng thành từ trong kháng chiến, cố Thủ tướng luôn có tình cảm đặc biệt với bộ đội.

Đại tá Bùi Thanh Khởi - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh
Cảm nhận của mình, cố Thủ tướng là người có trách nhiệm với dân, với nước. “Còn nhớ ngày đó, tiếp cố Thủ tướng, khi bước vào phòng khách, ông chào mọi người bằng cái bắt tay xã giao, nụ cười hiền. Riêng với các chiến sĩ bộ đội, ông còn có câu hỏi thân tình “khỏe không các chiến sĩ” - Đại tá Bùi Thanh Khởi hồi tưởng.
Ảnh hưởng của cố Thủ tướng đối với tỉnh không gì thay thế được nhưng với Đại tá Bùi Thanh Khởi, ấn tượng khó phai về người là tình yêu nước, thương dân. Thấy kinh tế tỉnh phát triển không mấy thuận lợi, đời sống người dân còn lắm khó khăn, nhất là các xã ven biển, sau khi nghe tỉnh báo cáo, ông đi thực tế tại các địa phương thuộc vùng khó khăn rồi cho cơ chế xây cầu Rạch Miễu bằng hình thức BOT.
“Sau khi cầu đưa vào sử dụng, Bến Tre đã xóa thế cô lập, tỉnh trở thành vùng đất giàu tiềm năng, mở ra điểm mới cho du lịch sinh thái, miệt vườn” - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh nhấn mạnh.
Bến Tre thật sự chuyển mình, trở thành điểm đến ấn tượng của các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp là nhờ công trình cầu Rạch Miễu. “Vẫn câu nói ấy, không có cố Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ không sớm có cầu Rạch Miễu. Trung ương không cho kinh phí nhưng đã cho cơ chế để công trình thế kỷ được xây dựng, xóa thế cô lập, kích thích kinh tế tỉnh phát triển” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be chia sẻ. |
P.Tuyết - Q.Hùng