Đề nghị Trường ĐH FPT ngừng đào tạo trong Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

22/06/2024 - 05:59

Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa có công văn đề nghị Trường ĐH FPT ngừng đào tạo đại học trong SHTP, gỡ bỏ các thông tin giới thiệu phân hiệu của trường trong SHTP trên các trang thông tin điện tử của trường và Công ty Cổ phần FPT nói chung.

Sinh viên đang học tại Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM trong SHTP. Ảnh: THANH HÙNG

Giấy phép một đằng, thực hiện một nẻo

Theo Ban Quản lý SHTP (Ban Quản lý), dự án Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu công nghệ ĐH FPT được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) lần đầu ngày 4-11-2013 và điều chỉnh lần 1 vào 10-11-2015 - do Viện Đào tạo Quốc tế FPT là nhà đầu tư. Dự án có địa chỉ tại Lô E2a-7, đường D1, phường Long Thạnh Mỹ, SHTP, TP Thủ Đức (TPHCM).

Mục tiêu của dự án là góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ươm tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).

Quy mô của dự án là xây dựng trung tâm đào tạo các chuyên ngành CNTT; đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực CNTT; đào tạo phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong SHTP.

Tuy nhiên, qua làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Quản lý, ông Trần Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng, Giám đốc Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM đã cung cấp bản sao quyết định của Trường ĐH FPT về việc sáp nhập Viện Đào tạo Quốc tế FPT vào Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM (quyết định ký ngày 7-2-2020).

Theo báo cáo, hiện dự án đang tập trung triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT, trong đó, đào tạo bậc đại học (kỹ sư) chiếm 99,09%, sau đại học (thạc sĩ) chiếm 0,91%.

Doanh thu từ đào tạo là 751.666 triệu đồng. Ngoài ra, có triển khai nghiên cứu một số công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ, hình ảnh và vườn ươm “Trải nghiệm khởi nghiệp”... nhưng chưa có doanh thu.

Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM trong SHTP. Ảnh: THANH HÙNG

Theo đoàn kiểm tra, việc đào tạo bậc đại học chiếm 99,09% là không đúng mục tiêu được cấp tại GCNĐKĐT.

Dự án có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 42 Luật Đầu tư năm 2020 và theo quy định tại Điều 2 GCNĐKĐT về điều kiện ràng buộc: “Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung dự án hoặc chậm triển khai dự án theo tiến độ và các nội dung đã cam kết (trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản lý), Ban Quản lý có quyền thu hồi GCNĐKĐT”.

Dự án không thực hiện báo cáo quý, báo cáo năm và báo cáo giám sát đầu tư theo quy định tại Điều 2 GCNĐKĐT về điều kiện ràng buộc.

Không cho thành lập phân hiệu

Ngày 17-1-2013, Ban Quản lý đã có công văn gửi Trường ĐH FPT về đề nghị xây dựng Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM trong SHTP là không phù hợp.

Như vậy, việc hoạt động Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM trong SHTP đã được Ban Quản lý thông tin đến Trường ĐH FPT là không phù hợp quy hoạch của SHTP do UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2013. Tuy nhiên, qua rà soát, trên trang thông tin điện tử của Trường ĐH FPT đều giới thiệu Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM trong SHTP.

Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM trong SHTP tổ chức sự kiện cho sinh viên.

Việc Trường ĐH FPT ban hành quyết định sáp nhập, giải thể và chấm dứt sự tồn tại của Viện Đào tạo Quốc tế FPT, xóa sổ pháp nhân đang là nhà đầu tư một dự án trong SHTP và tự ý giao cho đơn vị mới là Phân hiệu ĐH FPT tại TPHCM tiếp quản toàn bộ dự án tại SHTP mà chưa có sự đồng ý và chấp thuận của Ban Quản lý là không đúng nội dung quy định tại Điều 1 của GCNĐKĐT đã cấp.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý, ban không đồng ý việc Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM sử dụng địa điểm trong SHTP do không phải là nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo GCNĐKĐT đã cấp. Đồng thời, việc sử dụng địa điểm thực hiện dự án để đào tạo sinh viên là không phù hợp với GCNĐKĐT hiện hữu và không phù hợp quy hoạch SHTP.

Với những vi phạm trên, Ban Quản lý đề nghị Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TPHCM ngưng việc đào tạo bậc đại học tại dự án trong SHTP và ngưng các hoạt động tại dự án. Ngoài ra, đề nghị Trường ĐH FPT gỡ bỏ các thông tin giới thiệu phân hiệu của trường trong SHTP trên các trang thông tin điện tử của trường và Công ty Cổ phần FPT nói chung.

Theo Thanh Tùng (Báo SGGP)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN