Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trước đó, ngày 9-6-2023, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật và Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận ở tổ về nội dung này.
Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đồng thời, việc xây dựng Luật nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến được thực hiện từ ngày 3-1-2023 đến ngày 15-3-2023.
Đến nay đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào những vấn đề như: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi; đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bổ sung quy định để tăng trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Về thủ tục hành chính đất đai (Chương XIV), Dự thảo Luật đã rà soát bổ sung quy định về hình thức thực hiện thủ tục hành chính để người dân có thêm lựa chọn hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp; quy định cụ thể việc công bố thủ tục hành chính và luật hóa một số thủ tục về đất đai.
Cụ thể thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 225); thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Điều 226); thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 227).
Về giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (Chương XV), dự thảo Luật đã làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc không tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai.
Không đưa vào dự thảo Luật quy định về kiểm toán đất đai để thực hiện theo Luật Kiểm toán; rà soát, hoàn thiện quy định về trách nhiệm giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; bổ sung hòa giải thương mại trong hòa giải tranh chấp đất đai để tăng lựa chọn, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp đất đai và quy định Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về thương mại; giữ quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai như Luật Đất đai hiện hành.
Đáng chú ý, về thu hồi, trưng dụng đất (Chương VI) là một trong nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.
Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 78; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 81.
Nguồn: TTXVN