Liên kết đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế biển

Quy hoạch lấn biển, mở rộng không gian đô thị

07/09/2022 - 05:42

BDK - Trong định hướng phát triển khu kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh có mục tiêu lấn biển, mở rộng không gian ra biển. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam - Phó trưởng ban Chỉ đạo phát triển kinh tế biển tỉnh Bến Tre (BCĐ 543) nhấn mạnh: Khu kinh tế biển Bến Tre là dự án chiến lược rất quan trọng, mở ra không gian phát triển mới của tỉnh trong tương lai. Tỉnh đang rất quyết liệt triển khai nghiên cứu, lập đề án.

Khảo sát khu lấn biển TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Khảo sát khu lấn biển TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Khu đô thị lấn biển

Đoàn công tác tỉnh Bến Tre do Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ làm trưởng đoàn đã có chuyến đi thực địa một vòng qua các khu đô thị (KĐT) lấn biển của TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang như: KĐT Tây Bắc Vĩnh Quang, Dự án lấn biển Trần Quang Khải, Dự án lấn biển Nam Rạch Sỏi và KĐT Phú Cường. Đây là nơi đầu tiên trong cả nước phát triển KĐT trên biển và đang trở thành một trong những đô thị trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, năng động so với cả nước.

Vị trí khảo sát đầu tiên của đoàn Bến Tre là KĐT Tây Bắc. Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn cho biết: Nơi triển khai Dự án KĐT Tây Bắc cách đây 5 năm còn là biển. Hiện giai đoạn 1 đã lấn 100ha, giai đoạn 2 sẽ lấn thêm 100ha. Theo điều chỉnh quy hoạch chung, chuẩn bị lấn thêm 4 ngàn héc-ta theo tầm nhìn đến năm 2040 của TP. Rạch Giá. Quy hoạch đã thông qua tỉnh, chuẩn bị thông qua Bộ Xây dựng.

Rạch Giá là KĐT Biển Tây, đến nay đã lấn biển khoảng 500ha, với 5 KĐT. Cái mới của việc lấn biển, cũng như xây các đảo nhân tạo là Rạch Giá có thể sáng tạo theo ý tưởng mới của mình mà không sợ bị trùng lắp hay “hao hao” ở đâu. Trên từng đảo hoặc khu lấn biển, ngoài phát triển KĐT, Rạch Giá quy hoạch các khu chức năng để thu hút các nhà đầu tư tham gia trọn gói hoặc từng phần: vui chơi giải trí, thể thao, dịch vụ, sân bay, sân golf… Các dự án sẽ được thực hiện dưới hình thức đấu thầu theo quy định.

“Với cách làm này, Rạch Giá không sử dụng tiền ngân sách mà huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Hoàn toàn không cần phải đền bù, giá thành cũng thấp hơn so với giá đền bù trong đất liền. Hình hài, kiến trúc xây dựng trên đảo hoàn toàn do nhân tạo. Con người có thể đưa vào đây những ý tưởng sáng tạo, mà trên thế giới chưa nơi đâu có. Từ đó thu hút con người đến sinh sống và làm việc…”, Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn chia sẻ.

Kinh nghiệm cho thấy, KĐT thu hút dân về quá lớn thì phải phát triển thương mại dịch vụ trong khu đó. Định hướng của Rạch Giá là khi lấn biển thêm bao nhiêu héc-ta và dự kiến sẽ phát triển thêm bao nhiêu xã, phường thì cần quy hoạch trước khu đất để xây dựng khu hành chính mới. Quan điểm phát triển của Rạch Giá trong thời gian tới là xây dựng các đảo nhân tạo bên ngoài biển và làm cầu vào đất liền, nhằm bảo vệ không gian biển bên trong đã xây dựng.

Đoàn tiếp tục khảo sát thực tế tại KĐT Phú Gia Cường do Tập đoàn Phú Cường đầu tư. Hiện khối lượng san lấp mặt bằng nơi này là 90%. Các chức năng chính của KĐT là chung cư, đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ… Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho hay, Dự án đô thị lấn biển TP. Rạch Giá được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1178 ngày 30-12-1997 của Thủ tướng Chính phủ về Dự án đầu tư lấn biển mở rộng KĐT mới thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, với 5 khu vực đầu tư, tổng diện tích là 420ha; trong đó lấn biển là 360ha, cải tạo hiện trạng là 60ha. Mục đích nhằm tạo quỹ đất mới để phát triển mở rộng đô thị Rạch Giá, là điểm nhấn vị trí trung tâm của tỉnh. Qua hơn 20 năm triển khai, đô thị lấn biển TP. Rạch Giá cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, người dân đầu tư xây dựng nhà ở đạt trên 80%, giải quyết hơn 60 ngàn dân sinh sống. Nhiều công trình phúc lợi xã hội, trung tâm thương mại, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ.

Sắp tới, tỉnh quy hoạch phát triển 5 cụm đảo với quy mô khoảng 4 ngàn héc-ta. Tầm nhìn đến năm 2040, các đảo có các cầu đi ra, nhằm tạo ra không gian lấn biển, mỗi đảo có chức năng khác nhau để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Dự kiến tháng 9-2022 sẽ thông qua quy hoạch chung, sau đó mới quy hoạch khu và tiến hành đầu tư. Dự kiến trong 2 năm nữa, Rạch Giá sẽ khép kín tuyến đường ven biển, kết nối thông suốt các tỉnh trong vùng theo tuyến đường này. Ngoài ra, Rạch Giá còn 2 tuyến đường cao tốc, tạo thuận lợi kết nối giao thương và phát triển kinh tế vùng.

Hỗ trợ, hợp tác đầu tư

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho rằng: Chuyến làm việc với đoàn công tác Bến Tre là dấu mốc quan trọng để tạo mối quan hệ gắn bó lâu dài của 2 tỉnh, thực hiện tốt chủ trương liên kết phát triển vùng. Kiên Giang cam kết sẽ tăng cường gắn kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về lấn biển cho Bến Tre trong quá trình tỉnh triển khai thực hiện từ khâu lập quy hoạch chung đến thu hút đầu tư và kinh nghiệm xây dựng.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Phú Cường, Kiên Giang cho biết, Công ty tập trung vào các lĩnh vực như: KĐT trên biển, nhà cao tầng, chung cư, nhà hàng, khách sạn, năng lượng sạch. Công ty sẵn sàng bố trí đội ngũ nhân lực có nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Bến Tre về dự án lấn biển. “Công ty hứa hẹn sẽ đầu tư tại Bến Tre nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển thành công kinh tế biển của tỉnh trong tương lai. Công ty rất cần sự hợp tác đồng hành của tỉnh về mặt pháp lý”, ông Nguyễn Việt Cường nói.

Ngày 21-5-2021, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 2778/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương nghiên cứu lập Đề án quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 5136 về chủ trương nghiên cứu lập Đề án quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành đưa nội dung lấn biển vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Chương IV - Phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, trong đó đã cụ thể hóa tổng diện tích khu vực lấn biển 50.000ha (Thạnh Phú 15.000ha, Ba Tri 14.000ha, huyện Bình Đại 21.000ha), trình bày quan điểm phát triển cũng như định hướng phát triển các ngành trong khu vực dự kiến lấn biển.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ - Trưởng BCĐ 543 cho rằng: Để thực hiện quy hoạch lấn biển phải cần nhiều thời gian, công sức, không nóng vội, phải chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo đủ các cơ sở về thực tiễn khách quan, cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị và các nhiệm vụ tỉnh đang triển khai.

Hiện nay, tỉnh có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong cả nước đến tìm hiểu, đề xuất ý tưởng và mong muốn tiếp tục các bước nghiên cứu đầu tư các dự án lấn biển tại 3 huyện biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

“Những kinh nghiệm hay, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Kiên Giang rất đáng để Bến Tre nghiên cứu, học tập và vận dụng phù hợp trong việc triển khai khu kinh tế biển tại tỉnh trong thời gian tới. Chuyến làm việc tại Kiên Giang đã giúp lãnh đạo tỉnh tiếp thu được những kinh nghiệm hay, giải pháp hữu ích tại tỉnh bạn. Hai tỉnh Kiên Giang và Bến Tre sẽ tiếp tục có sự gắn kết trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau thường xuyên trên các lĩnh vực”.

(Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN