Cây Mai Dương - Mầm họa từ thực vật

05/05/2014 - 07:34
Cây mai dương.

Những năm gần đây, trên khắp các địa phương của tỉnh Bến Tre nói chung, huyện Ba Tri nói riêng, cây mai dương đã và đang phát triển, dần dần xâm lấn diện tích đất sản xuất khá lớn.

Cây mai dương có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là một loài thực vật thuộc chi Trinh nữ, phân họ Trinh nữ của họ Đậu. Cây mai dương có thể mọc cao tới 2m, mọc dày đặc ở vùng đất ẩm ướt. Thân và lá cây có nhiều gai cứng dần từ gốc đến ngọn, quả cây có nhiều lông ngứa. Sau 6 tháng tuổi, thì ra hoa và kết quả. Mỗi lần sinh sản có thể sinh ra khoảng 9.000 hạt mới và lan đi rất nhanh. Vì có khả năng xâm lấn mạnh, nó có thể hủy hoại các hệ sinh thái cây bụi đã có ở một nơi nào đó. Cây mai dương làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong rừng, do chứa chất mimosin - loại acid amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…

Từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. Cây mai dương xâm nhập vào nước ta từ năm 1979, đến nay đã xâm lấn hàng vạn héc-ta đất tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở rừng quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, cây mai dương vẫn đã và đang phát triển nhanh, lấn át các loài thực vật bản địa. Kể cả cỏ trời, bãi năn của sếu cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ xâm hại đến diện tích rừng tràm, loài cây này còn đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của nhiều loài chim, bò sát… Từ đó, phá vỡ đa dạng sinh học của Vườn quốc gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, sinh kế của người dân.

Tại tỉnh Bến Tre nói chung, huyện Ba Tri nói riêng, cây mai dương đã và đang phát triển, dần dần xâm lấn diện tích đất sản xuất khá lớn. Nếu không sớm tiêu diệt, có thể cây mai dương sẽ trở thành mối đe dọa sinh thái trong thời gian không xa.

Việc tiêu diệt cây mai dương cũng là một vấn đề khá khó khăn và chưa có giải pháp căn cơ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và kinh nghiệm của nhân dân ở các địa phương, để hạn chế sự phát triển của loại cây này thì phải triệt phá cây mai dương con; đối với cây mai dương lớn, phải chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây mai dương; việc diệt trừ loại cây này cần tiến hành ở vụ Hè - Thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, lây lan phát triển… Bên cạnh đó, đọt non của mai dương là món ăn rất khoái khẩu của dê nên có thể nuôi dê để diệt bớt, hoặc thu gom, xay nhuyễn cây mai dương thành bột để trồng nấm mèo. Chúng ta cũng có thể trồng các loài cỏ có ích để ngăn chặn sự phát triển của cây mai dương; phải phối hợp nhiều giải pháp một cách thường xuyên mới có thể mang lại hiệu quả.

Trước những tác hại và nguy cơ từ cây mai dương, hy vọng là các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể các địa phương sẽ dành sự quan tâm đúng mức đến việc phòng chống sự lây lan và tiêu diệt cây mai dương bằng nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, cần phải coi trọng các biện pháp phòng ngừa, giám sát và can thiệp sớm của cộng đồng. Đây là các hoạt động ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư sống trong vùng có cây mai dương chủ động trong việc phòng trừ sự xâm lấn của cây trên vùng đất nông nghiệp xung quanh là hết sức cấp bách.

Bài, ảnh: Đại Thắng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN