Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo - hiểm họa trong chăn nuôi

11/09/2009 - 13:13
Biểu hiện bệnh ở heo nái.

LTS: Từ số báo 2516 chuyên mục Thú y sẽ ra mắt bạn đọc 6 kỳ, vào thứ sáu hàng tuần, nhằm thông tin  những nội dung có liên quan đến ngành thú y. Rất mong bạn đọc đón xem và cộng tác.

* Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản là gì?
Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo còn gọi là bệnh “tai xanh”, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh, làm chết nhiều heo. Bệnh thường xảy ra ở: heo nái với biểu hiện đặc trưng là sẩy thai, ở heo con sau cai sữa với biểu hiện đặc trưng là rối loạn hô hấp. Heo nhiễm hội chứng rối loạn hô hấp thì sức đề kháng giảm sút, dễ bị các mầm bệnh khác như: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn tấn công tạo thành những bệnh kế phát gây nhiều khó khăn cho việc phòng chống dịch, bệnh.
Hiện nay, bệnh đã lây lan và trở thành dịch địa phương ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có ngành chăn nuôi heo phát triển.
* Căn nguyên
Tác nhân gây bệnh là một loài virus PRRS thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales có cấu trúc vỏ bọc dạng chuỗi đơn RNA. Hiện nay, dựa trên việc phân tích cấu trúc gien và kháng nguyên, người ta đã xác định được hai chủng (tup): tup 1 gồm những virus thuộc dòng châu Âu, tup 2 gồm những virus thuộc dòng Bắc Mỹ. Virus tup 2 gây bệnh trầm trọng hơn ở các nước châu Á.
* Virus có ở đâu?
Virus có trong nước mũi, nước bọt, sữa, phân, nước tiểu, tinh dịch. Virus có thể lây nhiễm cho bào thai, gây sẩy thai. Heo lớn có thể bài thải virus trong vòng 14 ngày, heo con, heo lứa bài thải virus tới 1- 2 tháng. Virus có khả năng tồn tại rất lâu ở điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, virus cũng dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hóa chất sát trùng thông thường như: vôi bột, chlorine, formon, Iodine. Virus có thể lan rộng đến nhiều nơi bằng các hình thức: vận chuyển, bán chạy heo bệnh, gió (có  thể đi xa tới 3 km), bụi, hơi nước, các loại dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bị nhiễm trùng.
* Bệnh lây lan như thế nào?
Trực tiếp: heo khỏe mạnh nuôi nhốt chung với heo bệnh, heo mang trùng, phân, nước tiểu, gieo tinh nhân tạo.
Gián tiếp: dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống, phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ lao động bị nhiễm trùng
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là gì?
Ở heo nái mang thai: sốt 40-42oC, biếng ăn, da nổi đỏ, nhất là ở những vùng da mỏng (mắt, mũi, tai), ở thể cấp tính có trường hợp hai lỗ tai có màu tím xanh, xáo trộn về hô hấp, sẩy thai.
Ở heo đang nuôi con: sốt, biếng ăn, xáo trộn về hô hấp, da nổi đỏ, giảm sữa.
Ở heo nọc: sốt, bỏ ăn, lừ đừ, lỗ tai có màu tím xanh, chất lượng tinh dịch bị suy giảm.
Ở heo con sau cai sữa, heo thịt: sốt, biếng ăn, uống nhiều nước, lừ đừ, thở thể bụng, những phần da mỏng trên cơ thể (tai, bụng) lúc đầu có màu hồng nhạt, sau đó chuyển sang màu hồng thẫm, tím tái.
* Hiểm họa:
Bệnh lây lan nhanh, tỷ lệ nhiễm bệnh cao, không có thuốc điều trị đặc hiệu, gây tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi. Tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm khác xâm nhập và tạo thành những bệnh ghép, hoặc kế phát, gây khó khăn trong phòng, ngừa dịch bệnh. Những heo nhiễm bệnh ở thể nhẹ, nếu không phát hiện, xử lý kịp thời sẽ bài thải mầm bệnh ra bên ngoài, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, tạo điều kiện để mầm bệnh tồn tại, phát triển. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế, xã hội tại những địa phương có dịch, bệnh xảy ra.
* Nguy cơ đe dọa phát sinh hiểm họa:
Không quản lý được nguồn gốc, xuất xứ của con giống. Không đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi. Không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ, không đúng quy trình các bệnh truyền nhiễm như: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn. Không quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn, nước uống về mặt chất lượng và vệ sinh. Không định kỳ phòng ngừa ký sinh trùng và bồi dưỡng nâng cao sức đề kháng trong cơ thể vật nuôi
_________
Kỳ sau:
Biện pháp phòng,
chống hội chứng rối loạn hô hấp sinh sản ở heo

 

Bác sĩ thú y: Phạm Kim Thành (Chi cục Thú y Bến Tre)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN