Nói thơ Vân Tiên được lưu giữ qua nhiều thế hệ

02/09/2020 - 06:59

BDK - Hướng đến Hội thảo khoa học về Hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022) sẽ được Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 4-9-2020, nhiều tác phẩm thơ văn nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu đã được nhắc lại. Trong đó, truyện thơ Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm lớn của cụ đã có sức sống qua nhiều thế hệ. Nói thơ Vân Tiên là một hình thức diễn xướng dân gian đã có từ khi tác phẩm ra đời và được bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay.

Biểu diễn trích nội dung truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Biểu diễn trích nội dung truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Tầm ảnh hưởng sâu rộng

Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên được nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu viết trước khi Pháp xâm lược đất nước ta. Có tổng 2.075 câu thơ, với hình thức truyện kể văn vần (xoay quanh hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga). Nội dung truyền dạy đạo lý làm người.

Trong công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - nguyên Phó trưởng khoa Sau đại học Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có đề cập về sự nổi tiếng rất sớm của tác phẩm Lục Vân Tiên. Bà nêu: Ở cuốn “Luc Van Tien Poème populaire Annamite” (năm 1864) của tác giả Gabriel Aubaret - Đại tá hải quân (sau làm lãnh sự Pháp ở Bangkok) đã được in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ra đời. Vì nhận thấy nội dung truyện thơ có tác dụng trong việc thu phục nhân tâm nên Thống đốc Nam kỳ Dupré đã cho dịch chữ Nôm sang quốc ngữ để phổ biến.

Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nửa cuối thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển của phong trào yêu nước chống Pháp thì hình thức Nói thơ Vân Tiên ra đời và nhanh chóng lan tỏa khắp vùng Nam Bộ. Nói thơ Vân Tiên đã đi vào tâm hồn, niềm tự hào của người Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng. Đồng thời, tác phẩm nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người đàn ông, ca ngợi phẩm hạnh của người phụ nữ, góp phần gìn giữ đạo lý làm người trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược.

Trong tháng 6-2019, đoàn nghiên cứu Văn hóa (trong đó có Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên) đã có các chuyến khảo sát văn hóa dân gian tại Ba Tri. Đoàn đã ghi nhận, Nói thơ Vân Tiên vẫn còn được các bậc cao niên gìn giữ bằng sự yêu thích và niềm tự hào.

“Có thể nói, những yếu tố vùng đất, văn hóa của Ba Tri cùng với danh tiếng của nhà thơ và thái độ “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm của một cộng đồng luôn có ý thức gìn giữ các giá trị nhân văn. Cho nên, Nói thơ Vân Tiên đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng ngay trên vùng đất Ba Tri - Bến Tre so với những địa phương khác ở Nam Bộ là điều tất nhiên”, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên bày tỏ.

Giới thiệu đến công chúng      

Thời gian qua, tỉnh có nhiều hình thức bảo tồn và giới thiệu rộng rãi đến công chúng tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Hàng năm, trong dịp chào mừng Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh 1-7, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức hội thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga kết hợp nói thơ Vân Tiên. Hay các hoạt động do Tỉnh Đoàn tổ chức như ngâm thơ, diễn kịch mang hình tượng các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên; thi tìm hiểu cuộc đời, tác phẩm thơ văn của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Cuối năm 2019, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật Nói thơ Vân Tiên tại điểm huyện Ba Tri và tại tỉnh. Các học viên tham dự là các nghệ nhân, tài tử, hội viên thơ, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố và hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Bến Tre.

Qua các hoạt động biểu diễn, truyền dạy, hiện Nói thơ Vân Tiên đã trở nên gần gũi với nhiều bạn trẻ trong tỉnh. Anh Nguyễn Hoàng Tuấn - diễn viên đơn vị TP. Bến Tre là người đã có duyên nhiều lần “hóa thân” vào hình tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu và nhân vật Lục Vân Tiên. Anh chia sẻ, ngoài việc tìm hiểu về thân thế, cuộc đời của cụ Nguyễn Đình Chiểu, anh cũng đã học diễn ngâm rất nhiều câu thơ trong truyện thơ Lục Vân Tiên.

Có thể nói, đi qua bao thập kỷ, tác phẩm thơ Lục Vân Tiên vẫn được nhiều thế hệ nhắc đến, không chỉ vì giá trị nghệ thuật thơ văn mà còn là giá trị về đạo nghĩa làm người. Đó là những giá trị cốt lõi có sức sống qua các thời đại. Đó chính là tinh thần yêu nước, những đạo lý, phẩm chất tốt đẹp của con người, mà hàng đầu là chữ “trung”, chữ “hiếu” vẫn vẹn nguyên ý nghĩa.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN