Phát triển kinh tế hướng Đông, bài 1:

Nông dân với mô hình nuôi tôm công nghệ cao

24/03/2021 - 06:45

BDK - 3 huyện biển của tỉnh, gồm: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại, có diện tích nuôi tôm biển chiếm trên 35 ngàn ha, trong đó có trên 11 ngàn ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Từ năm 2016 đến nay, hình thức nuôi tôm công nghệ cao (CNC) tại đây không ngừng phát triển. Năng suất nuôi tôm thâm canh từ khoảng 10 tấn tăng lên từ 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận bình quân từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi. Từ mô hình này, vùng duyên hải của tỉnh đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tỷ phú từ nuôi tôm. Bật lên sức sống mới đầy triển vọng theo chủ trương phát triển kinh tế về hướng Đông của tỉnh trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao tại huyện Thạnh Phú.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao tại huyện Thạnh Phú.

Con đường đến… “vua tôm”

Người được xưng danh “Vua tôm” của tỉnh, có thu nhập khoảng 30 tỷ đồng/năm là nông dân Đặng Văn Bảy (49 tuổi), hay còn được gọi là Bảy An, ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ông được Hội Nông dân tỉnh bình xét và công nhận là vua tôm cùng với các ông vua nông sản khác gắn với 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: dừa, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, hoa kiểng, bò và heo vào năm 2019.

“Từ những năm 1990 - 2000, người dân Thạnh Phú đã biết nuôi tôm, nhưng hầu hết làm ao đắp bờ bằng len tay, chủ yếu dựa trên điều kiện lợi thế đất đai tự nhiên để canh tác. Nên mới có câu vui truyền miệng lúc nghèo khó bấy giờ là: Cuối mùa bờ bể ung thư - Tính đi tính lại hỏng dư đồng nào” - ông Bảy An bồi hồi nhớ lại.

Năm 2000, người dân bắt đầu biết nuôi tôm sú công nghiệp. Tuy nhiên, hình thức nuôi còn lạc hậu. Năm 2006 - 2007, kỹ thuật nuôi tôm có tiến bộ hơn. Năm 2009 - 2010, việc nuôi tôm sú khó khăn, người nuôi chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng. Người nuôi vẫn còn nuôi ao đất, cỡ tôm (size) nuôi đến thu hoạch đạt 100 con/ký được xem là hiệu quả. Năm 2014 - 2015, một số người chuyển qua hình thức nuôi bằng ao lót bạt bờ đáy đất. Lúc này, Công ty cổ phần CP Việt Nam đã bước đầu chuyển giao công nghệ nuôi 2 giai đoạn, với diện tích ao nuôi (giảm rất nhiều so với ao truyền thống) chỉ có 2.000m2 (trong tổng diện tích đầu tư 1ha). Năng suất bình quân đạt 4 - 5 tấn/ao. Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự thành công bước đầu trong nuôi tôm công nghệ cao.

Kết quả đó đã đưa ông đi đến quyết định táo bạo vào năm 2016 là mạnh dạn thay đổi hàng loạt ao nuôi, cải tạo toàn bộ ao từ diện tích 5.000m2/ao xuống còn 1.000m2/ao. Việc thay đổi từ hình thức nuôi đến luôn cả mô hình kinh doanh. Năm 2017 là thời điểm ông Bảy An xác lập mức độ thành công kỷ lục mới so với trước đó.

Theo ông Bảy An, đây cũng là giai đoạn lan tỏa nhanh nhất của mô hình nuôi tôm công nghệ cao - công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn. Đến năm 2019, toàn huyện có 250ha nuôi tôm công nghiệp và hiện nay 750ha. Về sau này, ông liên tiếp thử nghiệm để thay đổi qua các hình thức nuôi cải tiến hơn, với thiết kế ao thay đổi theo hướng hiệu quả hơn, như: ao nuôi bể bê-tông lót bạt trên cạn, diện tích giảm còn 300 - 500m2/ao.

Năm 2020, ông Bảy An là người đầu tiên xác lập kỷ lục nuôi tôm CNC hiệu quả nhất cả nước, với size tôm đạt 15 con/kg theo công nghệ do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao. Đồng thời, ông là một trong những đại biểu của tỉnh ra tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, với thành tích là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc.

“Từ con tôm, Thạnh Phú đang có hàng trăm nông dân tỷ phú. Trong đó, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú đang có hàng chục thành viên là tỷ phú tôm. Có thể nói đây là sân chơi đặc biệt của người nuôi tôm trên địa bàn huyện, với mục đích giúp lan tỏa mô hình sản xuất hiệu quả trong nông dân, góp phần đưa kinh tế nông - thủy sản tại huyện biển phát triển theo hướng đột phá”, vua tôm Đặng Văn Bảy bộc bạch.

Cùng hợp tác, chia sẻ

Thời gian qua có nhiều điển hình hợp tác sản xuất, chia sẻ lợi ích để cùng nhau vượt khó và làm giàu từ nuôi tôm. Ông Vũ Đình Hà, thành viên Hội quán nuôi tôm huyện Bình Đại, là một trong số đó.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tư vấn chuyển đổi số cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Vũ Đình Hà, thị trấn Bình Đại. Ảnh: Cẩm Trúc

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tư vấn chuyển đổi số cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Vũ Đình Hà, thị trấn Bình Đại. Ảnh: Cẩm Trúc

“Từ lúc khởi sự với nghề nuôi tôm CNC, tôi đã bắt đầu liên kết với nông dân vùng ven biển. Bởi sau khi nghỉ làm tại Công ty cổ phần CP Việt Nam, bản thân tôi chỉ có vốn kiến thức và kinh nghiệm, trong khi nông dân có đất và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. Để tạo mối liên kết bền chặt, ngay từ ban đầu, tôi đã tuyên bố công khai toàn bộ chi phí đầu tư, lợi nhuận để tất cả thành viên tham gia nắm bắt. Dần dà, cùng với hiệu quả mô hình là tôi xây dựng được uy tín, niềm tin với những người cùng hợp tác. Lợi nhuận từ mô hình được chia đều đảm bảo tính hài hòa, đồng thuận cao. Không chỉ chia sẻ trong nội bộ, chúng tôi còn công khai chia sẻ kinh nghiệm và thông tin hoạt động sản xuất ra bên ngoài để nông dân nuôi tôm có thể tham khảo, học tập...”, ông Hà kể.

Việc hợp tác sản xuất được người nuôi đồng tình cao vì giảm được chi phí đầu vào, từ con giống, vật tư kỹ thuật, thức ăn dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Quy trình đồng nhất, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đặc biệt, từ mô hình này, người nuôi đảm bảo về truy xuất nguồn gốc. Tôm nuôi theo quy trình an toàn, đạt tiêu chuẩn tôm sạch và có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Đến nay, mô hình của ông có gần 20 hộ nông dân tham gia liên kết, với diện tích gần 100ha nuôi tôm CNC, tương đương trên 100 ao nuôi thương phẩm, từ 500 - 700m2/ao.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm CNC, ông Vũ Đình Hà cho rằng, nuôi tôm CNC có 2 yếu tố là tiền và đất. Đối với những hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, có diện tích dưới 1ha, thực hiện theo mô hình nhỏ nhất là cần 5.000m2, do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao. Trong đó, trung bình ao nuôi thương phẩm từ 500 - 700m2 mặt nước nuôi, ao chứa lắng 1.500m2 (còn lại là bờ, mương đảm bảo thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ 2 giai đoạn). Ước tổng chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình 5.000m2 là 600 triệu đồng (đầu tư thiết kế ao, công vận hành ban đầu, giống và một ít thức ăn).

Theo đại diện của Công ty cổ phần CP Việt Nam, điều kiện quan trọng nhất để nuôi tôm CNC là nước trong vùng nuôi có độ mặn quanh năm. Nếu nông dân có đất từ 5.000m2 tại vùng nước mặn, có thể vay tiền để nuôi. Về kỹ thuật, công ty có hàng chục kỹ sư tại Bến Tre để giúp miễn phí cho người nuôi, từ việc thiết kế ao đến quy trình nuôi. Hiện nay, mô hình nuôi tôm CNC có thiết kế tuần hoàn nước, được xem là “phiên bản mới” của công nghệ CP. Mô hình này dành cho vùng thiếu nước ngọt, 6 tháng ngọt, 6 tháng mặn.

Thiết kế ao nuôi theo mô hình tuần hoàn, có thể xây ao tròn bằng bê-tông cốt sắt trên cạn, phủ bạt, chiều cao ao từ 1,3 - 1,5m. Người nuôi có thể tranh thủ lấy nước mặn vào những tháng mặn để sử dụng tuần hoàn cho ao nuôi trong các tháng ngọt. Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi công nghệ tuần hoàn nước càng khắt khe hơn, cũng như có sự tốn kém chi phí đầu tư cao hơn và chiếm nhiều diện tích hơn. Tỷ lệ diện tích mặt nước nuôi và tổng diện tích đầu tư là 1:7 hoặc 1:8. Chi phí đầu tư 1ha là khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ít hơn.

Ưu điểm của mô hình nuôi tôm tuần hoàn là có thể giúp người nuôi kiểm soát, né tránh được một số bệnh nguy hiểm thường gặp cho tôm. Nuôi được tại các vùng thiếu nước ngọt, hoặc tránh va chạm với các mô hình nuôi các loại thủy sản khác trong khu vực (như sò). Nguồn nước tuần hoàn có thể tái sử dụng nuôi liên tục 3 - 4 vụ tôm. Mức độ an toàn dịch bệnh cho ao nuôi cao hơn. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường bên ngoài. Tỷ lệ thành công của mô hình này từ 70 - 80%, tức bình quân 100 ao thì có 70 - 80 ao thành công. Tỷ lệ thành công 50%, người nuôi đã có lợi nhuận.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích