Trồng bưởi da xanh thích ứng hạn mặn

24/05/2024 - 05:17

BDK - Gần 20 năm, ông Vương Thành Công (Ba Công), 63 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 5, ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành đã gắn bó với cây bưởi da xanh. Cây trồng đạt hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Trước ảnh hưởng gay gắt của nắng nóng và hạn mặn, ông Ba Công đã triển khai những biện pháp bảo vệ cho bưởi da xanh hiệu quả.

Ông Vương Thành Công bên cạnh ao trữ nước ngọt cung cấp hiệu quả cho vườn bưởi da xanh trong mùa hạn mặn.

Ông Vương Thành Công bên cạnh ao trữ nước ngọt cung cấp hiệu quả cho vườn bưởi da xanh trong mùa hạn mặn.

Hiện tại, ông Ba Công canh tác 1,1ha bưởi da xanh và đang cho thu hoạch trung bình 2 tấn/công/năm. Bưởi da xanh do ông Ba Công trồng được thương lái tiêu thụ với giá 20 ngàn đồng/kg, cho thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Ông Vương Thành Công chia sẻ: “Hàng năm, tôi chủ động các giải pháp ứng phó trong và sau mùa hạn mặn. Từ đó, duy trì sự sinh trưởng ổn định cho cây trồng vượt qua mùa hạn mặn; hạn chế tối đa thiệt hại cho cây trồng. Đặc biệt, tôi tuyệt đối không cho cây bưởi da xanh ra hoa và tạo trái vào mùa hạn mặn”.

Trước mùa hạn mặn, ông Vương Thành Công tiến hành cho vét bùn để tạo sự thông thoáng trong ao, mương và bồi gốc cho bưởi da xanh; đậy tàu lá dừa quanh gốc; tưới nước vào chiều mát và rải phân hữu cơ, tạo tơi xốp cho đất cũng như dưỡng cỏ để tạo độ ẩm cho cây bưởi. Trong mùa hạn mặn, hạn chế tối đa rải phân cho cây trồng (đặc biệt là phân đạm); cắt tỉa bớt nhánh cây mang trái để chuyển toàn bộ dinh dưỡng được cung cấp sang nuôi thân, góp phần duy trì sự sống cho cây trồng; phun phân bón lá...

“Khi cây bưởi da xanh ruột hồng đã được duy trì sự sống và vượt qua hạn mặn thành công, nhà vườn cần tiến hành rửa mặn và phèn khi có đủ lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất. Rải phân hữu cơ và kiểm tra độ PH của đất, từ 5‰ trở lên thì cây có thể hấp thụ và sinh trưởng tốt. Hoàn tất những công đoạn đấy, tôi bắt đầu cung cấp phân NPK cho bưởi và tiếp tục quá trình canh tác bình thường để cây trồng ra hoa, kết trái”, ông Ba Công bộc bạch.

Thạc sĩ Lê Trí Nhân - Phó trưởng phòng Tư vấn dịch vụ nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Giai đoạn hạn mặn năm 2024, trung tâm đã phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và tập trung biên soạn tài liệu liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, truyền đạt các tài liệu này đến địa phương thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND, Hội Nông dân và Tổ Khuyến nông cộng đồng xã, thị trấn kịp thời truyền tải đến nông dân tham khảo cũng như triển khai ứng dụng các biện pháp ứng phó trong trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả trong thời gian diễn ra hạn mặn ở địa phương.  

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN