Văn hóa là hồn cốt của dân tộc

25/07/2024 - 20:12

BDK - Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lay động lòng người.Tám mươi năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho đời bao tiếc thương trìu mến, người lãnh đạo tài ba, đức độ, xả thân vì nước, vì dân, người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu.

Bàn thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh. Ảnh: Khắc Duy

Tôi đã đọc đi, đọc lại toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, càng đọc, càng thấm thía. Văn hóa không phải là vấn đề mới của nhân loại, vì hiện nay đã có trên 200 khái niệm và định nghĩa khác nhau về văn hóa. Từ xa xưa Ăngghen đã nói “Cứ mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa là mỗi bước tiến về phía tự do”. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khi Đảng ta ra đời năm 1930, Đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc. Đến năm 1943, Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời đã chỉ rõ văn hóa là một trong ba mặt trận “chính trị, kinh tế, văn hóa” và từng thời kỳ cách mạng Đảng ta luôn xây dựng và phát triển văn hóa phát huy vai trò văn hóa, tập hợp đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, động viên nhân dân khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Bác Hồ kính yêu đã từng dạy “Anh chị em làm văn hóa nghệ thuật là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”, nay ở trong thơ nên có thép nhà thơ cũng phải biết “xung phong”.

Chúng ta càng thấm thía và tự hào trên quê hương Đồng khởi, quê hương nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chọn an nghỉ cuối đời đã sản sinh ra nhiều nhà văn hóa lỗi lạc đã trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận ấy với thái độ “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” như: Phan Văn Trị, Sương Nguyệt Anh, Lê Anh Xuân…

Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 đến nay đã tròn 81 năm, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đã khái quát văn hóa Việt Nam qua nhiều thời kỳ lãnh đạo của Đảng ta trong kháng chiến và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. đồng thời, Tổng Bí thư đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là hồn cốt của dân tộc. Bài phát biểu này mang tính đúc kết lý luận sâu sắc đối với mỗi chúng ta của Tổng Bí thư sẽ mãi mãi là kim chỉ nam trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

Trần Công Ngữ

(Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN