Châu Thành thực hiện hiệu quả chính sách khuyến nông

19/05/2025 - 05:43

BDK - Từ khi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 24-8-2021 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh, huyện Châu Thành đã tập trung quyết liệt triển khai và tổ chức thực hiện, bước đầu đạt kết quả nhất định.

Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát mô hình trồng bưởi da xanh ở thị trấn Tiên Thủy (Châu Thành).

Chuyển giao khoa học - kỹ thuật

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Xuân Vinh, công tác khuyến nông thời gian qua luôn được địa phương quan tâm thực hiện, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện tiếp cận các nội dung hỗ trợ từ nghị quyết. Đối với nguồn kinh phí của huyện đã phối hợp tổ chức 24 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT). Cụ thể, năm 2022, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện được 3 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về phòng trừ sâu đầu đen hại dừa với tổng kinh phí 6 triệu đồng. Năm 2023, thực hiện được 8 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về canh tác sầu riêng, kỹ thuật canh tác bưởi da xanh, dừa với tổng kinh phí 26 triệu đồng. Năm 2024, tổ chức 13 lớp chuyển giao KHKT về canh tác sầu riêng, bưởi da xanh, dừa, phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, phòng chống hạn mặn với tổng kinh phí thực hiện 40 triệu đồng.

Đối với nguồn kinh phí khuyến nông tỉnh, đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cũng như sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) nông dân trên địa bàn huyện. Trong đó, năm 2022 tổ chức tập huấn 10 lớp tại các xã về biện pháp khắc phục cây trồng sau hạn mặn và kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng, bưởi da xanh cho người dân, có 358 người tham dự, tổng kinh phí 5 triệu đồng và tổ chức sinh hoạt CLB nông dân được 20 cuộc với kinh phí 2 triệu đồng. Năm 2023, thực hiện 34 lớp tập huấn, có 1.210 người tham dự với tổng kinh phí 101 triệu đồng; tổ chức sinh hoạt CLB nông dân 40 cuộc với kinh phí 10 triệu đồng và tư vấn được 251 cuộc cho nông dân với tổng kinh phí 37 triệu đồng. Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tổ chức thêm 30 lớp tập huấn với 1.247 người tham gia, kinh phí 102 triệu đồng...

Mô hình kinh tế hiệu quả cao

Huyện triển khai xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản, an toàn, có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện xin phê duyệt chủ trương và bổ sung kinh phí thức hiện chương trình khuyến nông nhằm hỗ trợ cây giống cho người dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Cụ thể, năm 2022, hỗ trợ 3.000 cây bưởi da xanh, tổng kinh phí 52 triệu đồng, 2.000 cây dừa xiêm giống, tổng kinh phí 40 triệu đồng. Năm 2023, tiếp tục hỗ trợ cây giống bưởi da xanh với 1.565 cây, tổng kinh phí 62 triệu đồng; dừa xiêm giống 2.808 cây, tổng kinh phí 112 triệu đồng; cây giống sầu riêng Ri6 với 305 cây, tổng kinh phí 24 triệu đồng.

 Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ ở đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh thuộc nguồn kinh phí Trung ương, khi người dân tham gia sẽ được hỗ trợ phân bón hữu cơ và tem truy xuất nguồn gốc. Năm 2022, thực hiện 50ha tại các xã Tân Phú, Quới Thành, Phú Đức, Tiên Long và thị trấn Tiên Thủy với 132 nông dân tham gia. Năm 2023, thực hiện 70ha bao gồm mô hình thâm canh bưởi da xanh theo VietGAP: quy mô 20ha tại địa bàn các xã Tiên Long và Phú Đức; mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP quy mô 50ha tại địa bàn xã Tiên Long, Tân Phú, Phú Đức và trị trấn Tiên Thủy, với 140 nông dân tham gia. Năm 2024, thực hiện 90ha mô hình thâm canh bưởi da xanh theo VietGAP quy mô 20ha tại xã An Hiệp và thị trấn Tiên Thủy; mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP quy mô 70ha tại các xã Tân Phú, Quới Thành và thị trấn Tiên Thủy với 142 nông dân tham gia. Trong đó, đã chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP 30ha.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Lê Xuân Vinh, qua các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, người dân được trang bị kiến thức KHKT mới áp dụng thực tiễn vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, chủ động phòng chống dịch hại trong sản xuất nông nghiệp, ứng phó hạn mặn. Tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do thiên tai và dịch hại. Thành lập được một mô hình Hội quán Tân Phú hoạt động hiệu quả; thành lập mới 13 hợp tác xã nông nghiệp, lũy kế đến nay có 23 hợp tác xã nông nghiệp.

         Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN