Giám sát việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

29/11/2021 - 06:14

BDK - Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 31-10-2020 của HĐND tỉnh, năm 2021, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đường nông thôn mới ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm.

Đường nông thôn mới ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm.

Thêm 10 xã nông thôn mới

Đối với chương trình MTQG xây dựng NTM, từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động với hình thức đa dạng, phong phú. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Tỉnh ủy tổ chức nhiều chuyến kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2021 tại các huyện, trong đó có nội dung về xây dựng NTM; tổ chức đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU và Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy tại 5 huyện dự kiến đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025. Các ngành chức năng của tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra tại những xã hoàn thành các nội dung nợ tồn đọng trong xây dựng xã NTM.

Trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã công nhận thêm 10 xã NTM, lũy kế đến nay có 61 xã đạt chuẩn NTM, 36 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (TC); 45 xã đạt từ 10 - 14 TC, trung bình đạt TC trên xã là 16,07 TC, dự kiến đến cuối năm công nhận thêm 1 xã nữa để đạt chỉ tiêu năm 2021. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM, TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại đang hoàn chỉnh dự thảo Đề án xây dựng huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025. Về “4 TC cứng”, đến nay, toàn tỉnh có 74/142 xã đạt TC giao thông, 121 xã đạt TC thu nhập, 101 xã đạt TC môi trường và an toàn thực phẩm, 120 xã đạt TC quốc phòng và an ninh.

Toàn tỉnh hiện có 122 hợp tác xã (HTX) lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 58 HTX có liên kết với các doanh nghiệp để gắn kết dịch vụ đầu vào, đầu ra. Một số HTX tiêu biểu như HTX nông nghiệp Mỹ Chánh, HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm, HTX Nông nghiệp Thạnh Phú Đông, HTX Nông nghiệp Châu Hòa, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, HTX Nông nghiệp Phước Hiệp và nhiều HTX lĩnh vực thủy sản hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh có 99,45% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 73,14% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia, 11,79% xã nằm trên tuyến đường có tổ dịch vụ gom rác, 99,88% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 98,66% hộ có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 86,8% hộ thực hiện nôi dung “3 sạch”.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thoát nghèo

Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các huyện, thành phố và 157 xã, phường, thị trấn đều thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động. Trong đó, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã bãi ngang ven biển 36 công trình; duy tu, bảo dưỡng 30 công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại 29 xã bãi ngang. Triển khai xây dựng 164 mô hình giảm nghèo từ các nguồn vốn với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân cho trên 7.000 lượt hộ cận nghèo, 6.949 lượt hộ mới thoát nghèo, 3.192 lượt hộ nghèo và 5.743 lượt hộ vay sản xuất, kinh doanh, 23.130 hộ vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Hỗ trợ mua 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho trên 74 ngàn người nghèo, hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho 54,329 người cận nghèo và 439.810 người tại các xã bãi ngang ven biển với tổng kinh phí 161 tỷ đồng. Vận động xây dựng 1.031 căn nhà tình thương với tổng kinh phí 45,52 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 21 ngàn hộ nghèo và 3.254 hộ chính sách xã hội số tiền 1,633 tỷ đồng. Tỉnh cũng đang xây dựng “Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn năm 2030”.

Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm tham gia vào cuộc. Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện được triển khai đồng bộ và lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực trong xây dựng NTM và thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững. Nhận thức của chính quyền các cấp có sự chuyển biến rõ nét, xem công tác giảm nghèo và phát triển đa dạng sinh kế thoát nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, có vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, được sự đồng tình hưởng ứng của người dân, đặc biệt là sự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới nhận định: Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 31-10-2020 của HĐND tỉnh bước đầu có hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là công tác kiểm tra, giám sát thực hiện được các cấp, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai với sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân.

Bài, ảnh: Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN