Tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

13/03/2023 - 05:34

BDK - Với điều kiện phát triển mạnh mẽ của truyền thông, công nghệ số và Internet như hiện nay, công chúng có rất nhiều kênh và phương tiện để thụ hưởng các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật (NT). Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình biểu diễn NT, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa (VH) truyền thống, đồng thời mang hơi thở của thời đại mới.

Tiết mục do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trình diễn tại chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người vẽ cờ giải phóng”.

Tiết mục do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trình diễn tại chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người vẽ cờ giải phóng”.

Định hướng văn hóa trong từng sản phẩm

Giám đốc Trung tâm VH - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh cho biết: Trong năm 2022, Trung tâm VH - Điện ảnh tỉnh đã xây dựng 65 chương trình, tổ chức 84 cuộc biểu diễn văn nghệ trực tiếp, phục vụ trên 27 ngàn lượt người xem, tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị 60 buổi, trên 36 ngàn lượt người xem. Sản xuất 25 sản phẩm video clip tuyên truyền về phòng chống  dịch Covid-19, các hoạt động VHNT, các sự kiện trong năm 2022 và chương trình Đồng khởi khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Đội tuyên truyền lưu động đã biểu diễn phục vụ cơ sở trực tiếp 31 cuộc, thực hiện chiếu bóng phục vụ cơ sở và tại chỗ 38 cuộc, 35 cuộc trực tuyến trên mạng xã hội.

“Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, công nghệ số và Internet như hiện nay, công chúng có rất nhiều kênh và phương tiện để thụ hưởng các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật. Đây được xem là một thực trạng, thách thức đối với cơ quan nhà nước về VHNT. Vì ngoài việc phải thực hiện các chương trình NT đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại thì chúng tôi còn phải làm thật tốt công tác định hướng VH trong từng sản phẩm, chương trình. Điều này đòi hỏi người làm VHNT cần được đào tạo bài bản và phải có sự trải nghiệm VH, cũng như hiểu được dòng chảy của xã hội để khi tổ chức, xây dựng các chương trình thì từng tiết mục, từng chương trình đều phải có yếu tố VH truyền thống dân tộc, đồng thời mang tính hiện đại”, Giám đốc Trung tâm VH - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai và phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều hoạt động trao truyền NT truyền thống của tỉnh như: NT đờn ca tài tử, NT diễn xướng Nói thơ Vân Tiên, NT Hát sắc bùa Phú Lễ… Đồng thời, tổ chức các hoạt động, các cuộc thi biểu diễn mang tính hiện đại. Trong từng hoạt động biểu diễn NT, ở góc độ người làm công tác quản lý, tổ chức chương trình luôn đặt mình vào vai trò là cầu nối giữa công chúng thụ hưởng và người thực hành các sản phẩm VH.

Người làm công tác VH cũng cần có cách nhìn đúng đắn trong tổ chức và định hướng để việc tiếp thu những giá trị VH mới của thế giới được hài hòa trên nền tảng VH của dân tộc. Việc làm tốt công tác định hướng VH trong các chương trình biểu diễn NT có ý nghĩa quan trọng, giúp cho người thực hành biểu diễn, nhất là các loại hình biểu diễn mới, du nhập từ nước ngoài (rap, hiphop…) càng cần được trân trọng và định hướng đúng để tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội, làm giàu, làm đẹp thêm nền VH của dân tộc. Từ đó, tạo nên sự phát triển mới của VH Việt Nam hiện đại.

Hướng đến công chúng

Theo ông Nguyễn Hoài Anh, VH truyền thống phải cùng thở hơi thở của thời đại. Với mục đích này, trung tâm đã thực hiện đa dạng các hoạt động trình diễn, giao lưu cũng như trao truyền các loại hình NT truyền thống. Tiêu biểu như hoạt động truyền dạy NT diễn xướng Nói thơ Vân Tiên cho các trường học, hay truyền dạy NT đờn ca tài tử.

Cùng với các chương trình biểu diễn NT được tổ chức, các loại hình NT truyền thống của địa phương đã và đang hòa vào cuộc sống của xã hội hiện đại. Cụ thể, hoạt động đờn ca tài tử đang được trình diễn tại nhiều khu, điểm du lịch của tỉnh, là một trong các hoạt động chính tạo nên sản phẩm du lịch sông nước xứ Dừa. Phần trình diễn đờn ca tài tử vẫn giữ gìn những giá trị cốt lõi nhất để không làm biến tướng loại hình NT này mà người thực hành đã có sự ứng biến để đưa các loại hình NT dân gian đến với công chúng nhiều hơn. Rõ nét hơn có thể nói đến NT Hát sắc bùa Phú Lễ với những nghi thức vô cùng đặc trưng cũng đã được chọn lọc, trao truyền lại cho thế hệ tiếp nối những giá trị cốt lõi nhất về nội dung ca từ, nhạc cụ, cách trình diễn, mà loại bỏ bớt những nghi thức tín ngưỡng không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho VHNT cũng cần quan tâm đến đối tượng thụ hưởng sản phẩm được tạo ra để có sự đầu tư phù hợp. Người dân hiện nay có nhu cầu thể hiện bản thân nhiều hơn trước. Vì vậy, người tổ chức các hoạt động VHNT cũng cần quan tâm đến điều này để có định hướng tổ chức phù hợp. Để người dân không bị bội thực trước những sản phẩm VHNT thì cần hướng đến nhu cầu tự thể hiện của người dân để họ vừa là người góp phần tạo ra sản phẩm VH vừa thụ hưởng giá trị mà sản phẩm VHNT mang lại.

“Mặc dù trong điều kiện hiện nay chúng ta đề cập đến việc đẩy mạnh phát triển thị trường VH, dịch vụ VH, công nghiệp VH nhưng không phải tất cả các lĩnh vực, các sản phẩm VH đều trở thành hàng hóa và đều bị chi phối đầy đủ các quy luật của cơ chế thị trường. Có những lĩnh vực VH không thể có mặt trong cơ chế thị trường và có những lĩnh vực cần phải vận dụng cơ chế thị trường một cách phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển VH. Vì vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần có nhận thức đầy đủ, đúng và phù hợp về bản chất của sự phát triển VH trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Từ đó, có nhận thức đúng về xây dựng thể chế phát triển VH trên bình diện chung cũng như trong từng lĩnh vực”.

(PGS.TS Trần Quốc Toản - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,
nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN