Ứng dụng thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc bưởi da xanh Bến Tre

06/05/2022 - 05:39

BDK - Dự án ứng dụng thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc bưởi da xanh (BDX) Bến Tre đã được triển khai thực hiện từ đầu năm 2022, từ Dự án MPTF Bến Tre. Dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng địa điểm đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh IoTs vào quản lý, canh tác, truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị nông nghiệp là sản phẩm BDX Bến Tre.

Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu.

Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ 4.0

Thực hiện đầu tư lắp đặt, ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị truy xuất nguồn gốc sản phẩm BDX tại xã Lương Hòa (Giồng Trôm), hệ thống giám sát và theo dõi sâu bệnh hại trên cây ăn trái; điểm quan trắc nước tự động, hệ thống bơm nước thông minh, hệ thống tưới tiêu thông minh; triển khai mô hình bón phân thông minh và sử dụng sản phẩm phân bón thông minh có chức năng tan chậm, có sự kiểm soát và hiệu quả tiết kiệm chi phí. Đồng thời, thực hiện đầu tư mô hình hệ thống tưới tiêu thông minh và sử dụng sản phẩm thông minh có chức năng tan chậm tại xã Phú Đức (Châu Thành), Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc). Xây dựng và chuyển giao phần mềm thiết lập và quản lý tự động việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, người tiêu dùng quét mã QR duy nhất trên từng sản phẩm để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Tập huấn giới thiệu công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm BDX Bến Tre.

Ngoài ra còn tổ chức 6 lớp tập huấn, có 300 nông dân tham gia. Theo dõi kết quả ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh. Xây dựng 15 mô hình hộ tưới nhỏ giọt và tưới phun cho 1,5ha và 45 hộ sử dụng phân bón thông minh cho 4,5ha BDX tại các xã vùng dự án, thí điểm tại xã Lương Hòa (Giồng Trôm), Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc), Phú Đức (Châu Thành). Tổ chức bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho người dân; nhóm hưởng lợi trong quá trình thực hiện đầu tư và bàn giao đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí thực hiện 1,213 tỷ đồng, từ nguồn vốn IFAD và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh.

Các đại biểu tham dự tổng kết Dự án MPTF Bến Tre.

Các đại biểu tham dự tổng kết Dự án MPTF Bến Tre.

Hệ thống canh tác thông minh

Ông Đỗ Quốc Hùng, ấp Phú Hữu, xã Phú Đức (Châu Thành) cho biết: “Tôi tham gia dự án và được hỗ trợ mô hình bón phân thông minh trên 5/8 công đất trồng BDX. Tôi thấy rõ ưu điểm là tiết kiệm được công lao động do 3 tháng mới bón 1 lần. Mô hình bước đầu rất hiệu quả, cây bưởi xanh tốt, chịu được hạn mặn. Tôi đề xuất dự án tiếp tục hỗ trợ cho bà con nông dân thiết bị dự báo sâu bệnh để có thể yên tâm chăm sóc vườn bưởi hiệu quả hơn.

Ông Đinh Văn Ẩn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc) cho rằng, đầu năm 2022, thực hiện Dự án MPTF, các thành viên trồng BDX trong HTX tham gia đầy đủ, với tinh thần phấn khởi mong muốn có quy trình kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, kinh doanh bưởi hiệu quả hơn hiện nay. HTX được dự án hỗ trợ phân bón thông minh cho bà con nông dân, nhất là trong thời gian xâm nhập mặn. Bà con rải phân này vừa tiết kiệm lượng phân, công lao động, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, cần tiếp tục được nhân rộng.

Bà Lê Thị Mao, xã Lương Hòa (Giồng Trôm) tham gia Dự án MPTF cho biết: “Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật khá nhanh, trong đó có lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nhất là quy trình áp dụng công nghệ 4.0 và các thiết bị thông minh trong quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị BDX thuộc Dự án MPTF. Qua quá trình tham gia dự án, cho thấy các quy trình mới này đều áp dụng khá thành công, tiết kiệm ngày công lao động, công chăm sóc, nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu. Trước đây, tôi được đi tham quan vùng trồng BDX ở tỉnh Bình Dương, nông dân ở đây áp dụng quy trình kỹ thuật rất hay, cây mới 2 tuổi đã cho trái. Hầu hết các khâu từ trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước đều bằng quy trình thiết bị công nghệ hiện đại, kể cả khâu thu hoạch xuất bán. Lúc đó, tôi rất mong ở tỉnh mình sẽ thay đổi như vậy, nay đã trở thành hiện thực. Từ khi tham gia dự án, tôi dự đầy đủ các cuộc tập huấn, hội thảo để nắm bắt quy trình kỹ thuật áp dụng vườn bưởi nhà mình để đạt hiệu quả cao hơn. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ dự án, nhất là quy  trình kỹ thuật của Công ty cổ phần Runan Technololies Việt Nam. Tôi được đầu tư 1 máy phun sương và phân bón thông minh. Mong rằng, công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị, vật tư phục vụ cho các loại cây trồng khác”.

Ông Nguyễn Khắc Hân - Giám đốc Ban Quản lý dự án MPTF, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chuẩn bị dự án CSAT Bến Tre khẳng định, mô hình của ông Nguyễn Văn Bảy, Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh (BDX) huyện Giồng Trôm đầu tư hệ thống giám sát sâu rầy, máy bơm nước vào trữ ngọt; hệ thống tưới nhỏ giọt và hệ thống quan trắc nói chung có hiệu quả. Chúng tôi đồng tình và đánh giá cao mô hình này, đặc biệt là các hộ dân tham gia HTX. Các HTX đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ về phân bón, hệ thống giám sát sâu rầy, thị trường đầu ra, nước tưới, tiêu, nước sinh hoạt… Vấn đề này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh có ý kiến với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu hỗ trợ.

Qua tiếp thu ý kiến của bà con vùng dự án, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, các hoạt động đầu tư của dự án cơ bản đạt được theo kế hoạch đề ra. Các mục tiêu đã giúp cho nông dân bước đầu tiếp cận được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, tiêu thụ BDX có hiệu quả hơn. Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi và có đánh giá sát thực hơn hiệu quả của dự án. Từ dự án cho thấy, sự cam kết và đồng thuận của hộ dân là cơ bản, trong cả quy trình tiến hành dự án. Có sự vào cuộc của các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, đoàn thể, nhất là ở huyện, xã giúp cho toàn bộ các hoạt động của dự án diễn ra thuận lợi, đem lại hiệu quả như mong muốn.

Gói vốn hỗ trợ dự án ngắn có thời gian khẩn cấp trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp gây khó khăn trong quá trình triển khai nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực của các bên, nhất là các hộ dân vùng dự án nên cuối cùng cũng đảm bảo tiến độ. Nguồn vốn của dự án không nhiều, chỉ đầu tư trọng yếu trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành (vốn mồi) nhưng đã xây dựng được một số mô hình thành công, giúp nhiều hộ dân, HTX có điều kiện tiếp cận được công nghệ số, kỹ thuật số qua các mô hình thông minh để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực và hiệu quả của các HTX, bà con nông dân tham gia mô hình đã tạo ra phong trào rộng mạnh trong các hộ nông dân lân cận và bắt đầu nhân rộng mô hình ra ngoài vùng dự án. Có sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau giữa các HTX, bà con nông dân và rộng hơn là giữa Bến Tre, Trà Vinh và Đồng Tháp. Dự án cũng đã góp sức cho tỉnh phát triển diện tích BDX, hy vọng nghề trồng bưởi sẽ ngày càng thuận lợi, hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích