Giới thiệu sách

Nghề báo - Vinh quang và trăn trở

20/06/2024 - 05:34

BDK.VN - Đây là lời mở đầu giới thiệu về quyển sách “Làm báo - Mực mài nước mắt” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) của tác giả Lê Khắc Hoan. Ông nguyên là Phó tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Dân Trí, tạp chí Thế giới mới, tạp chí Trí tuệ.

Bìa sách “Làm báo - Mực mài nước mắt” và "Nghề báo - Những bài học nhớ đời".

Quyển sách tập hợp những câu chuyện tráng - bi - hài trong làng báo, với tổng cộng 14 chương nhỏ, bao gồm: Viết về người anh hùng; Thử thách một thời - Thử thách một đời; Nhà báo “Tự cứu trước khi trời cứu”; Những cây bút vàng tài đa tâm thiện… Điểm đặc sắc của cuốn sách chính là cách viết sâu sắc và mới mẻ, miêu tả chi tiết về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc; những “bếp núc” của nghề báo được tái hiện rất sống động.

Ngày nay, các loại hình báo chí phát triển phong phú, phương tiện hành nghề của các nhà báo cũng hiện đại nên việc tác nghiệp báo chí khác xưa, tuy nhiên, những câu chuyện về tình bạn, tình yêu nghề, sự say mê, tâm huyết với nghề và ý thức trách nhiệm của nhà báo trước sự phát triển của xã hội trong “Làm báo - Mực mài nước mắt” thì có lẽ là không bao giờ cũ với các nhà báo ở hiện tại và cả tương lai.

* “Nghề báo - Những bài học nhớ đời” của TS Nguyễn Quang Hòa (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông), ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô. Cuốn sách là những kinh nghiệm, bài học thực tiễn qua 30 năm làm báo của tác giả cùng các đồng nghiệp.

Sách dày hơn 200 trang, gồm 3 phần nội dung lớn. Qua đó giúp người làm báo bổ sung kiến thức thực tế, tránh không lặp lại các lỗi thường gặp trong quá trình tác nghiệp, viết bài, biên tập…; đồng thời giúp bạn đọc có thể hình dung được những công việc và trách nhiệm của nghề báo.

Ở phần 1: Phóng viên, người sáng tạo ra tác phẩm báo chí. Tác giả nêu lên những những vấn đề phóng viên cần quan tâm như năng khiếu và tri thức, rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm, quan tâm mọi vấn đề, phỏng vấn - một nghệ thuật; phóng sự và những vấn đề liên quan; tin và kỹ thuật viết tin, bài. Tác giả còn đề cập đến những khó khăn của phóng viên khi đi thực tế, đi cơ sở…

Phần 2: Tòa soạn báo chí. Tác giả trình bày đầy đủ các nội dung về nơi được gọi là “làm cho tác phẩm báo chí có giá trị hơn”, bao gồm: cơ cấu một tòa soạn báo; vai trò và tác dụng của việc lập kế hoạch tuyên truyền; kinh nghiệm khi làm công tác biên tập; nghệ thuật phỏng vấn rồi đến những việc cụ thể như chọn và chú thích ảnh…

Phần 3: Lỗi trên báo - Từ nhỏ xíu tới tày đình. Tác giả chỉ ra những lỗi thường gặp trên mặt báo từ những “hạt sạn” nhỏ mà khó chịu đến những lỗi nghiêm trọng và nguyên nhân. Bằng cách viết dễ hiểu, tác giả kể lại những câu chuyện hài hước, dẫn những bài báo cụ thể, qua đó nhằm nhắc nhở những người làm báo một số vấn đề cần tránh, rút ra những kinh nghiệm cho bản thân.

Qua hai quyển sách dành cho nghề báo, các tác giả đã nhận định rằng, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đặt ra cho báo chí, tuyên truyền những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị khác nhau, đòi hỏi người làm báo luôn quán triệt và tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tiễn cuộc sống, trau dồi phẩm chất, năng lực nhằm đáp ứng vai trò là cầu nối truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại như lời cố Nhà báo Hữu Thọ đúc kết là: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Và để có nhiều bài báo hay, hấp dẫn, thu hút bạn đọc, tạo nên “thương hiệu riêng” thì mỗi nhà báo không ngừng tìm tòi, học hỏi, đào sâu suy nghĩ, viết bằng chính sức lực, trí tuệ, tâm huyết của bản thân mình.

Huỳnh Anh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN