 |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH |
Sáng 16-11-2017, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ Trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng về các nội dung: Công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá); công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan; đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Tham gia chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đơn vị Bến
Tre) nêu vấn đề là trong 10 tháng đầu năm
2017, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 78.077 doanh nghiệp, kiến
nghị tăng thu số tiền 15,2 ngàn tỷ. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chúng ta chỉ
tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp mà không thanh, kiểm tra các hộ kinh
doanh và hộ không có chức năng kinh doanh hoặc không đăng ký kinh doanh nhưng
thực hiện các hành vi kinh doanh (cho thuê nhà, đất, tài sản),
làm thất thu ngân sách nhà nước rất nhiều. Một số cán bộ thuế cũng đã bị xử lý về
mặt hình sự. Đề nghị Bộ trưởng cho biết năm 2018 Bộ Tài chính có thể tiến hành
tổng thanh tra, kiểm tra toàn bộ các hộ này được hay không?. Ngoài ra, đại biểu rất tán thành việc
thực hiện kê khai điện tử. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng sử dụng
công nghệ cao và dùng user giả để rút ruột ngân sách nhà nước. Đề nghị Bộ
trưởng cho biết giải pháp để xử lý tình trạng trên?.
Trả lời câu hỏi của
đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng
Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết từ năm 2016, Bộ Tài
chính đã thực hiện kế hoạch chống thất thu, có chuyên đề riêng chống thất thu
về thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh. Trong 10 tháng đầu năm 2017, đã kiểm
tra đối với 45.536 cơ sở kinh doanh, trong đó có 29.667 doanh nghiệp và 15.869
hộ kinh doanh. Qua kiểm tra có 74,91% số hộ kinh doanh được kiểm tra, khảo sát
phải điều chỉnh doanh thu khoán từ 50% trở lên và đã điều chỉnh ngay trong năm
2017, với số tiền 9,3 tỷ đồng và sẽ tiếp tục điều chỉnh sang năm 2018. Thời
gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý địa bàn, tăng
cường công tác kiểm tra với hộ kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh cho thuê
nhà ở nói riêng.
Về
vấn đề sử dụng công nghệ cao để rút ruột và dùng user giả để rút ruột ngân
sách, Bộ Tài chính xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ tiến hành kiểm tra, nếu
có sai phạm xảy ra sẽ xử lý nghiêm.
Trước đó, sáng 15-11-2017, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đơn
vị Bến Tre) cũng đã tham gia phát biểu tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đại biểu đề nghị
cơ quan soạn thảo làm rõ thêm
về hình thức tố tụng gì? có chồng lấn hay là một hình thức trong hình thức tố
tụng tư pháp của chúng ta? Tại sao sau khi có quyết định của cơ quan xử lý vụ
việc cạnh tranh thì lại phải đưa ra Tòa án nhân dân để giải quyết?. Ngoài ra, đại biểu cũng nêu ra những bất cập trong dự thảo
luật đề nghị giải quyết như: tăng thêm độ lòng vòng của việc xử lý; tăng thêm
tổ chức bộ máy biên chế; nguyên tắc thực hiện quyền lực nhà nước và vấn đề cải
cách tư pháp.
* Ngày 14-11-2017, các đại biểu QH đơn
vị tỉnh Bến Tre thảo luận ở tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ
chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đại biểu tập trung vào một
số nội dung như:
Đại biểu nhất trí với các nội dung cần sửa đổi của dự án
Luật Quốc phòng (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để đảm bảo đối tượng áp dụng
rộng rãi thì cần phải bổ sung “tổ chức cá nhân ở nước ngoài” nhằm huy động nguồn nhân lực và tài chính ở nước ngoài; đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm luật trưng thu, trưng dụng; về mục đích sử dụng quỹ đất dành cho
Quốc phòng.
Các đại biểu cũng thống nhất với chủ
trương của Chính phủ về tạo cơ chế đặc thù nhằm giúp cho TP. Hồ Chí Minh phát
triển kinh tế theo hướng tăng trưởng mới. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu
kỹ hơn để tránh tạo ra sự khác biệt quá lớn về phát triển kinh tế cho các tỉnh
lân cận. Đại biểu đề nghị TP. Hồ Chí Minh phải đặt ra các mục tiêu cụ thể để
báo cáo QH sau 5 năm thí điểm.