Dấu ấn 10 năm ân tình 

17/06/2024 - 15:59

BDK.VN - Năm 2014, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo được kết nối với đoàn thiện nguyện đến từ Trường Đại học Mercer (Hoa Kỳ), để khám và điều trị bệnh xương khớp cho bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre. Hai từ Mer-cer dần thân quen kể từ mùa hè năm đó.

Anh Phạm Hữu Dũng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đến Bến Tre trước 1 ngày, được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh hỗ trợ thuê nhà trọ nghỉ qua đêm để sáng hôm sau làm tay giả; 19-5-2024, anh gửi tặng ảnh 2 tay giả cầm được chai nước. Ảnh: HBT

Email từ người lạ

Đầu năm 2014, hộp thư điện tử của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (Hội) nhận được thư làm cầu nối với Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ (GS. TS. BS) Võ Văn Hà - Trưởng đoàn Thiện nguyện MOM từ cô Lê Thị Huyền, người con của quê hương Bến Tre. GS. TS. BS. Võ Văn Hà mong muốn cùng đoàn thiện nguyện gồm các giáo sư, sinh viên của Trường Đại học Mercer (Hoa Kỳ) đến lắp chân giả, khám điều trị bệnh xương khớp cho bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre tại Hội. Ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội lúc bấy giờ với nhiều lo lắng về một tổ chức đến từ nước ngoài. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo rất mong muốn giúp được nhiều người nghèo chữa trị bệnh xương khớp, nhiều người khuyết chi được lắp chân, tay giả tại tỉnh nhà, ông đã tìm hiểu, xin chủ trương của UBND tỉnh và đã chỉ đạo thực hiện các thủ tục tiếp Đoàn Mercer. Rồi hai từ Mer-cer dần thân quen kể từ mùa hè năm đó. Đến nay đã tròn 10 năm!

Tình thương không biên giới

Thời tiết mùa hè oi bức, nóng nực nhưng không khí làm việc thật sôi nổi, đầy nhiệt quyết. Các thành viên đoàn Mercer tiếp xúc bệnh nhân nghèo với thái độ chân tình, ân cần hỏi han đã mang đến cảm giác gần gũi, được quan tâm, được sẻ chia cho những người bệnh, những người khuyết chi do bệnh, do tai nạn, hay do hậu quả chiến tranh. Người bệnh đến đây cảm nhận được cái tình, tình giữa người thầy thuốc và bệnh nhân, tình giữa những người xa lạ đến từ nhiều quốc gia khác nhau với người Bến Tre nói riêng, người Việt Nam nói chung. Ngoài Bến Tre, đoàn Mercer còn đến nhiều tỉnh, thành khác từ Bắc chí Nam.

Cô Nguyễn Kim Lòng, ấp Tiên Đông, xã Tiên Long (Châu Thành), đoạn chi do bệnh tiểu đường đã được lắp chân giả 3 lần vì diễn biến bệnh mỏm cụt thay đổi!

Chú Nguyễn Văn Buội, năm nay 70 tuổi, đã mất hơn 3 tiếng đồng hồ khập khiểng đạp xe bằng một chân giả đã bể mất bàn và cái chân còn lại từ Ấp 15, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm đến Hội, cách đó chừng 20km, để được đoàn Mercer lắp chân giả. Qua hỏi thăm và thông tin lưu hồ sơ được biết thêm, trong chiến tranh (trước năm 1975), chú không may bị mất đi chân trái, vợ mất sớm, chú hàng ngày với nghề vá xoong, có hôm kiếm được vài chục ngàn, cũng có hôm ngồi đến tan buổi chợ mà không có đồng nào. Vậy mà phải nuôi 3 cô con gái, các con đều đã có gia đình riêng nhưng hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Trong đó hoàn cảnh chị Vân có thể là khó nhất, phải đi làm thuê, bán vé số và thuê phòng trọ ở lại TP. Hồ Chí Minh nên đứa con trai Nguyễn Tấn Thành đành gửi về cho ông ngoại. Thành bị bệnh tim bẩm sinh, Thành cũng là ca mổ tim thứ 800 đã được Hội vận động hỗ trợ phẫu thuật thành công.

Chị Kh, một người con miền Trung phải tha hương cầu thực, sau tai nạn tàu hỏa, chị đã mất 1 tay, 1 chân. Chị đạp xe đi bán vé số ngang qua Hội, thấy có đoàn bác sĩ lắp chân giả, chị ghé xin đăng ký và được tiếp nhận. Chị vui mừng bày tỏ: “Chị không nghĩ là mình sẽ được lắp chân, chị tưởng chỉ người ở Bến Tre mới được”.

Chị đạp xe ra về còn ngoái đầu nhìn lại với nụ cười thật tươi và nói lời cảm ơn, khác hẳn với thái độ e ngại, dè chừng lúc chị mới đến. Việc tập đi bằng chân giả còn là những ngày vất vả sắp tới nhưng cảm giác ấm áp khi được sự quan tâm, được bác sĩ thăm khám, được các em sinh viên tận tình lắp chân giả trong buổi sáng. Các bạn sinh viên cũng rất vui vì đã góp thêm động lực để chị tiếp tục cuộc sống mưu sinh, kiếm tiền gửi về quê nuôi cha mẹ già và con nhỏ.

Tháng 5 vừa rồi, chú Lê Văn Vẹn, ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc đến đăng ký làm lại chân giả mới. Chú vui vẻ nói chân giả làm lần trước chú đi được 10 năm rồi!

Chú Nguyễn Công Thành mắc bệnh xương khớp rất nặng, sau nhiều năm phải chịu đau nhức, chữa trị nhiều nơi chưa hết. Chú được bác sĩ điều trị, chú nói bệnh tình đã giảm rất nhiều. Chú mong bác sĩ sớm quay lại Bến Tre để những bệnh nhân như chú được điều trị.

Bệnh nhân đến khám xương khớp từ khắp nơi trong tỉnh. Người đến lắp chân giả ngoài người ở tỉnh Bến Tre còn có Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Thọ... Số lượng bệnh nhân đông, có hôm nhóm lắp chân giả của đoàn Mercer làm việc đến gần 23 giờ. Bác sĩ Hà cười bảo: “Chưa hết bệnh nhân, chưa về”.

Đầu năm 2015, được sự chấp thuận của UBND tỉnh và Sở Y tế, Hội phối hợp với Trường Đại học Mercer lập cơ sở làm chân giả tại Hội để kịp thời chỉnh sửa, lắp chân mới cho bệnh nhân có nhu cầu, khi đoàn  Mercer không có mặt tại Bến Tre. Các chuyên viên của trường đã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ tình nguyện viên của Hội.

Tháng 12-2016, Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật đặt tại tầng 3 trụ sở Hội được ra mắt. Đại diện Trường Đại học Mercer đã ký cam kết tài trợ chương trình trị bệnh xương khớp, lắp chân, tay giả lâu dài.

Vinh danh những tấm lòng vàng

Ngày 2-6-2018, Hội Bảo trợ long trọng tổ chức lễ trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đoàn giáo sư, bác sĩ, sinh viên thiện nguyện Mercer on Mission Việt Nam của Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ. Đây là sự ghi nhận công sức đóng góp của đoàn trong công tác từ thiện chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân nghèo, người khuyết chi trong 5 năm (2014 - 2018). Đoàn cũng đã nhận 14 bằng khen cá nhân, 1 bằng khen tập thể do Chủ tịch UBND tỉnh trao. Đặc biệt trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi danh dự” cho GS, TS. BS. Võ Văn Hà.

Những đợt đoàn đến và hoạt động nhiều ngày tại Bến Tre đã được nhiều đơn vị, cá nhân góp sức từ những chuyến xe hỗ trợ đón đưa của Tỉnh đội và Công an, những chai nước uống đóng chai của thầy Huỳnh và nhiều tổ chức, cá nhân khác, những hộp cơm trưa tặng bệnh nhân của các bếp ăn từ thiện, những giỏ trái cây, quà bánh ở địa phương của các Hội huyện, những tấm lòng hảo tâm như cô Lê Thị Huyền, Hòa thượng Thích Tâm Mãn đã ủng hộ tiền để phục vụ cho chương trình khám, điều trị xương khớp và lắp chân, tay giả, cô Sương ở tận Bình Dương tặng nhiều khung tập đi, giày, vớ…

Bác sĩ Hà kể cái cảm giác an tâm, gần gũi khi chạy bộ mỗi sáng chỉ có ở Bến Tre. Bác sĩ Hà vui vẻ tiếp các bạn truyền thông với mong muốn thông tin về đoàn được chia sẻ rộng rãi để nhiều người biết, nhiều người cùng chung tay, để nhiều bệnh nhân được chữa trị và cuộc sống của họ nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn. Và mong muốn sớm có điều kiện chữa trị cho nhiều em nhỏ khuyết chi, khó khăn về vận động vì tương lai của các em còn dài ở phía trước.

“A, được trở về nhà!” là câu mà Giáo sư Craig McMahan - Giám đốc Chương trình Mercer On Mission - Việt Nam đã thốt lên trong cuộc họp của Trường Đại học Mercer khi nghe đoàn sẽ về lại Bến Tre trong mùa hè 2023. Và mùa hè năm nay là đúng 10 năm đoàn về Bến Tre, 17 năm về Việt Nam làm từ thiện. Trong 10 năm làm từ thiện ở Bến Tre đã có 20 đợt: lắp 3.551 chân giả, 281 tay giả, trao trên 3 ngàn phần quà, tổng giá trị tài trợ trên 35 tỷ đồng. Mong rằng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bến Tre sẽ là ngôi nhà chung, nơi mà những việc làm tử tế sẽ được tiếp sức từ nhiều người tử tế, để các chương trình từ thiện sẽ được viết tiếp sau 10 năm, 20 năm, và lâu hơn thế nữa...

 Ngọc Tú

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN