Đưa các anh về cùng đồng đội

26/07/2024 - 05:30

BDK - Qua hai cuộc đấu tranh giành độc lập đầy gian nan, khốc liệt, tỉnh có hơn 35 ngàn liệt sĩ, trên 18 ngàn thương, bệnh binh và hơn 144 ngàn người có công được ghi nhận, tôn vinh. Trong số những người đã anh dũng ngã xuống với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hiện còn trên 6 ngàn liệt sĩ hy sinh chưa tìm được hài cốt, chưa biết nơi yên nghỉ, chưa biết danh tính để đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều hài cốt liệt sĩ chưa biết được cố hương đang an táng trên mảnh đất quê hương Đồng Khởi. Vì thế, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ảnh: A. Nguyệt

Đau đáu mong tìm người thân

Mỗi một cuộc “đoàn viên”, đưa được hài cốt liệt sĩ về với đồng đội, gia đình là một niềm hạnh phúc dâng trào trong nước mắt của thân nhân, của những người làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Điển hình như trường hợp của liệt sĩ Võ Văn Hỉ (quê quán xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm).

Liệt sĩ Võ Văn Hỉ (sinh năm 1933), tham gia cách mạng năm 1960, trong Đội “Diệt ác trừ gian” của xã. Sau đó, ông giữ vai trò Xã đội phó xã. Đến tháng 5-1969, chiến sĩ Hỉ bị địch bắt và giam tại trại giam Cần Thơ. Đến năm 1971, ông bị đày ra trại giam Phú Quốc. Sau Hiệp định Paris, chiến sĩ Võ Văn Hỉ cùng nhiều chiến sĩ cách mạng được trao trả về phía Bắc. Nhưng vì những năm tháng tù đày gian khổ, mang nhiều bệnh tật nên ông Võ Văn Hỉ đã hy sinh ngày 16-7-1973 và được an táng ở Nghĩa trang Cầu Cương (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), với cấp bậc Thượng sĩ.

Ông Võ Văn Hít - con trai liệt sĩ Võ Văn Hỉ chia sẻ: Do địa lý cách trở xa xôi, gia đình không có điều kiện để đi thăm mộ cha. Thấu hiểu và đáp lại nguyện vọng của gia đình, vào giữa năm 2022, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng đã tiến hành nghi lễ đưa hài cốt ba của ông là liệt sĩ Võ Văn Hỉ về an táng tại đất nhà (ấp Giồng Chùa, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm). Với ông, đó là một ngày hạnh phúc vỡ òa, thỏa lòng ước nguyện của ông khi được đón cha về lại quê nhà, gần gia quyến, thân tộc sau mấy mươi năm cách trở.

Bên cạnh những trường hợp may mắn tìm được hài cốt liệt sĩ, đưa được về quê nhà hay về cùng đồng đội tại các nghĩa trang liệt sĩ thì còn rất nhiều trường hợp vẫn đang ngày đêm đau đáu mong tin, hy vọng sớm ngày tìm lại được người thân, đồng đội. Bà Nguyễn Thị Đỡ (71 tuổi), ngụ xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam xúc động khi được hỏi về cha của bà là liệt sĩ Bùi Văn Dữ (hy sinh năm 1975): “Tôi là con một, sinh ra thì cha đã thoát ly gia đình, tham gia cách mạng. Đến năm 10 tuổi, lần đầu tiên, tôi được người ta dẫn đi xuống Thạnh Phú để gặp mặt cha. Tôi đi mấy ngày mới tới. Đi qua cây cầu ở Hồ Cỏ 72 nhịp bắc bằng cây mắm để xuống tàu, tôi sợ gần chết. Nên mấy chú bồng tôi lên. Tôi gặp cha được 3 tiếng duy nhất trong đời. Cha tôi đi tàu trên biển chở vũ khí về miền Nam thì bị máy bay của địch phát hiện. Tàu được lệnh tự phá hủy. Gia đình chúng tôi không thể tìm được xác cha. Mẹ tôi ở vậy không tái giá”.

Nỗ lực Tìm kiếm, quy tập

Trong suốt nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo định hướng của Trung ương và cũng vì trách nhiệm với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 515 tỉnh để tập trung thực hiện đạt hiệu quả nội dung này. Từ năm 2015 - 2023, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh giao Bộ CHQS tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp rà soát, tiếp nhận thông tin, xây dựng kế hoạch thực hiện tổ chức hàng chục cuộc khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với hàng trăm lực lượng tham gia.

Đội quy tập, cất bốc tìm thấy 121 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang tạm thời chiến tranh ấp Bình Phú, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm vào tháng 7-2023. Ảnh: T. Thảo

Trong đó, có thể kể đến cuộc cất bốc và cải táng 121 hài cốt liệt sĩ (chưa xác định được danh tính) diễn ra vào tháng 7-2023, tại nghĩa trang tạm thời chiến (ấp Bình Phú, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Giồng Trôm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo 515 thường xuyên chỉ đạo Cơ quan Thường trực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ kịp thời về vật chất lẫn tinh thần cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trước, trong và sau khi hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, được cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang liệt sĩ an táng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười - Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh nhận định: Mặc dù trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, nhưng các lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã nỗ lực hết mình với tinh thần trách nhiệm rất cao. Hoạt động ý nghĩa trên đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Trong thời gian tới, bằng nhiều phương cách, các bộ phận chuyên môn cố gắng hết sức để tìm kiếm thông tin, từng bước xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm thân nhân các hài cốt liệt sĩ.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với Hội Cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng địa phương rà soát, nắm chắc số lượng nghĩa trang tạm thời chiến và nghĩa trang xã (số lượng hài cốt liệt sĩ đã quy tập, chưa quy tập; thời gian quy tập; thực trạng đất nghĩa trang đang sử dụng) làm cơ sở để Ban Chỉ đạo 515 tỉnh có chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt hiệu quả.

Dẫu rằng còn nhiều khó khăn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ như: Do thời gian chiến tranh xảy ra đã lâu, địa hình có nhiều thay đổi, nhân chứng lịch sử không còn hoặc tuổi đã cao, hồ sơ bị thất lạc… nhưng việc kết nối thông tin hiện nay ngày càng tiện lợi, nhanh chóng, công nghệ số hóa các dữ liệu được nâng tầm cũng là những điều kiện thuận lợi để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Điều quan trọng hơn hết là tinh thần, trách nhiệm của những người làm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, của các ngành, các cấp và toàn xã hội, để cùng chung lòng tìm kiếm, đưa các anh về yên nghỉ bên gia đình, đồng đội.

Thạch Thảo - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN