Những cựu chiến binh nặng lòng với quê hương

26/07/2024 - 05:30

BDK - Tuổi trẻ xông pha ngoài chiến trường, về đời thường với thương tật. Ấy vậy mà, những người cựu chiến binh (CCB) vẫn một lòng muốn đóng góp công sức, tiền của để xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp hơn.

Đoàn người có công của tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hà Nội. Ảnh: CTV 

Ấp Đại Thôn có người đại tá

Giọng nói rõ ràng, rắn chắc nhưng đầy tình yêu đối với quê hương, ông Lê Minh Trí, sinh năm 1952, thương binh 21%, ngụ ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú), bùi ngùi kể lại: “Ba tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa. Bác tôi là ông Lê Công Cẩn, năm 1962 vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ xin vũ khí cho chiến trường miền Nam đánh giặc. Năm 1959, ba tôi bị bắt, đày ra vĩ tuyến 17. Từ đó, lòng căm thù giặc sục sôi trong tôi”.

Năm 1971, ông Lê Minh Trí nhập ngũ vào đơn vị D8, Đoàn 962 làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, là lính đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 15-7-1971, trong một lần chiến đấu với địch, ông Trí bị máy bay của địch tấn công bị thương. Khi hồi phục, ông trở lại chiến trường cùng anh em đồng đội tham gia chiến đấu cho đến ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975. Sau khi miền Nam giải phóng, dù mang trên người thương tật nhưng ông Lê Minh Trí vẫn cố vươn lên và tiếp tục ở lại phục vụ đơn vị. Năm 1979, được sự phân công của đơn vị, ông lại khăn gói lên đường tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và sang làm nhiệm vụ quốc tế Campuchia. Ròng rã hơn 7 năm sống và chiến đấu trên đất nước Campuchia, ông đã tham gia rất nhiều trận đánh. Có khi là trên đồi núi hiểm trở, khi ở vùng chiến tranh ác liệt, làm cho vết thương cũ tái phát đau đớn nhưng với bản lĩnh, tinh thần của người lính không làm ý chí và nghị lực của ông vơi bớt.

Khi về nước, ông Lê Minh Trí phục vụ trong Hải quân Quân khu 9. Năm 2003, ông được phong quân hàm Đại tá. Đến năm 2005, ông về hưu. “Nhìn thấy quê hương mình còn quá nghèo do hậu quả cuộc chiến tranh tàn khốc để lại. Từ đó, tôi có ý tưởng vận động bạn bè, anh em còn tại ngũ, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí giúp cho những hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, góp phần đưa kinh tế - xã hội của xã nhà ngày càng phát triển hơn”, ông Lê Minh Trí nói.

Ông Trí được Đảng ủy xã Thạnh Phong phân công làm Bí thư Chi bộ ấp Đại Thôn. Tiếp đó, ông tham gia thêm nhiều công tác khác như: Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và bệnh nhân nghèo.

Để góp sức xây dựng xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú phát triển, người lính năm nào vẫn nặng lòng với quê hương. Ông ra sức vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng 38 căn nhà tình nghĩa, 43 căn nhà tình thương, với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đang gặp khó khăn về nhà ở. Ông còn vận động xe đạp, nhiều phần học phẩm, học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 207 triệu đồng và vận động nhiều phần quà, gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Ghi nhớ công ơn của những liệt sĩ, ông vận động xây dựng đền thờ liệt sĩ 142 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn vận động kinh phí để xây dựng đường giao thông nông thôn được 2,5km. Đồng thời, ông còn vận động nhân dân lao động làm lộ bê-tông liên tổ, liên ấp và xóa nhiều cây cầu khỉ thay bằng cầu bê-tông.

Tình thương quê hương

Cựu chiến binh Võ Văn Nhân rưng rưng nước mắt nói: “Mình may mắn được trở về quê hương, trong khi nhiều đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường. Dịp 27-7 này, tôi lại nhớ đồng đội. Tôi trân trọng cơ hội được sống và trở về, nhưng tôi dốt quá, không làm được nhiều việc cho xã hội. Vì thế, tôi quyết tâm lo cho các em nhỏ ở quê tôi có điều kiện đi học”.

Ông Võ Văn Nhân, sinh năm 1957, thương binh 31%, ngụ ấp Hưng Nghĩa I, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm. Ông Nhân đã có nhiều thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân ông dù làm lụng vất vả chắt mót kiếm đồng tiền, nhưng ông vẫn sẵn lòng đóng góp 57 triệu đồng cho địa phương nâng cấp tuyến lộ chính của ấp, tổ. Ông vận động mạnh thường quân hỗ trợ 70 triệu đồng và 100 bao xi-măng làm móng cầu Hiệp Hưng 2; vận động 30 triệu đồng và nhiều phần quà, học bổng, sách, vở, quần áo cho các em học sinh nghèo trên địa bàn xã.

Ông Trần Văn Cắt (tên thường gọi Trần Phi Hổ), sinh năm 1950, ngụ ấp Định Lễ, xã Phú Đức, huyện Châu Thành. Năm 16 tuổi, ông Phi Hổ tham gia du kích xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đến đầu năm 1968, ông nhập ngũ đơn vị Bộ đội địa phương quân huyện Châu Thành. Trải qua nhiều nhiệm vụ, năm 1978, ông Trần Phi Hổ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông Phi Hổ tâm sự: “Với truyền thống cách mạng của gia đình, phẩm chất cách mạng của người đảng viên cộng sản, không cho phép mình được sống vô cảm trước công việc của Đảng, Nhà nước và xã hội. Mặc dù đã nghỉ hưu (vào năm 1990), nhưng tôi vẫn nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội CCB xã Phú Đức, từ năm 1990 - 2017, đồng thời làm Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 7 ấp Định Lễ cho đến nay”.

Tình thương dành cho quê hương vẫn dào dạt trong lòng người CCB Trần Phi Hổ. Ông làm cầu nối vận động các mạnh thường quân xây dựng 7 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, 8 căn nhà tình thương; tặng 61 tấn gạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hàng ngàn quyển tập, viết cho học sinh nghèo hiếu học; vận động làm đường lộ tổ dài 120m, ngang 2m. Bản thân ông đóng góp cho ấp làm cầu, đường, với số tiền 35 triệu đồng; vận động nhân dân, hộ gia đình trong ấp có ảnh Bác Hồ, 95% hội viên CCB lập bàn thờ Tổ quốc.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho biết: “5 người có công tiêu biểu được tỉnh chọn đi Hà Nội dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 đã có nhiều đóng góp hy sinh cho quê hương. Đến nay, các anh, các chú vẫn còn mang nhiều thương tích trên mình nhưng luôn nỗ lực tham gia công tác tại địa phương và tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương mình. Tấm lòng của các anh, các chú rất đáng trân trọng...”.

Ngày 22-7-2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đưa đoàn người có công của tỉnh đi Hà Nội tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Có 5 người được chọn (4 thương binh và 1 anh hùng lực lượng vũ trang), gồm: Ông Trần Văn Cắt (tên thường gọi Trần Phi Hổ) ngụ huyện Châu Thành; ông Võ Văn Nhân, ngụ huyện Giồng Trôm; ông Lê Minh Trí, ngụ huyện Thạnh Phú; ông Hồ Hữu Nhựt, ngụ huyện Mỏ Cày Nam và ông Nguyễn Văn Nghị, ngụ huyện Bình Đại.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN