Mô hình tiết kiệm dừa khô đổi áo bà ba

06/09/2024 - 05:28

BDK - Áo bà ba từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa Nam Bộ, thể hiện sự khỏe khoắn và duyên dáng của người phụ nữ vùng đất này. Nhằm giữ gìn và tôn vinh nét đẹp của trang phục truyền thống, đồng thời vận động hội viên mặc áo bà ba trong sinh hoạt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Hưng, huyện Ba Tri đã sáng tạo ra mô hình tiết kiệm dừa khô đổi lấy áo bà ba.

Đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia chương trình đổi dừa khô lấy áo bà ba do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hưng phát động.

Đây là một hoạt động nằm trong giao ước thi đua hàng năm do Hội LHPN huyện Ba Tri đề ra, với nội dung yêu cầu 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc áo bà ba trong các buổi sinh hoạt. Mô hình không chỉ lan tỏa các giá trị truyền thống mà còn thể hiện sự trân trọng đối với trang phục quê hương.

Dừa là cây kinh tế chủ yếu của các hội viên tại xã, vì thế ngay khi mô hình được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên, phụ nữ. Thay vì bán toàn bộ số dừa khô sau mỗi đợt thu hoạch, hội viên chỉ cần tiết kiệm từ 1 - 2 trái dừa. Khi số dừa khô đạt đủ 6 trái, Hội LHPN xã sẽ quy đổi thành 1 chiếc áo bà ba. Một chiếc áo bà ba được đặt may có giá trị 150 ngàn đồng/áo (số tiền chênh lệch sẽ được quỹ tiết kiệm của Hội bù vào). Đặc biệt, nhiều chị em có điều kiện đã tiết kiệm được nhiều trái dừa hơn để chia sẻ với các chị em còn gặp khó khăn. Áo được Hội LHPN xã đặt may ở cơ sở may uy tín, có chất liệu tốt. Mô hình này đã giúp cho nhiều hội viên, đặc biệt là những chị em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện sở hữu những chiếc áo bà ba đẹp và chất lượng.

Chị Lê Thị Ngan, ngụ tại ấp Hưng Nhơn, xã Tân Hưng cho biết: “Tôi rất vui mừng khi tham gia mô hình tiết kiệm dừa khô đổi lấy áo bà ba của Hội. Đây không chỉ là một cách tiết kiệm hợp lý mà còn là cơ hội để chúng tôi sở hữu những chiếc áo bà ba truyền thống. Việc này giúp tôi thêm yêu quý và tự hào về nét đẹp truyền thống của trang phục quê hương. Tôi cũng mong rằng, mô hình này sẽ tiếp tục được duy trì để ngày càng nhiều chị em trong xã có thể tham gia và hưởng lợi”.

Vào ngày đầu tiên triển khai mô hình đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của hơn 70 hội viên, phụ nữ, thu gom được hơn 500 trái dừa khô. Số dừa khô này sẽ được bán để bù vào chi phí đặt may áo bà ba. Phần tiền còn dư sẽ được Hội LHPN xã đưa vào quỹ để tiếp tục huy động dừa khô cho những đợt sau, nhằm đảm bảo đủ số lượng áo cho các hội viên mới tham gia. Bằng cách này, không chỉ giúp giảm chi phí cho các hội viên mà còn tạo ra nguồn quỹ bền vững, hỗ trợ các hoạt động khác của Hội.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hưng Lê Ngọc Dung cho biết: “Mô hình không chỉ nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của trang phục bà ba mà còn là cách để vận động chị em phụ nữ tham gia vào các hoạt động chung của Hội. Chúng tôi nhận thấy sự hưởng ứng nhiệt tình từ các hội viên ngay từ những ngày đầu triển khai, điều đó càng khẳng định ý nghĩa của mô hình đối với cộng đồng”.

Trong thời gian tới, Hội LHPN xã Tân Hưng sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình này, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của áo bà ba cũng như khẳng định vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương.

Bài, ảnh: Duy Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN