Chính sách phát triển giáo dục mầm non

07/11/2022 - 05:25

BDK - Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người. Xác định tầm quan trọng đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu tiên phát triển GDMN tại tỉnh.

Cô giáo và trẻ Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long.

Cô giáo và trẻ Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long.

Chính sách phát triển

Thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách phát triển GDMN, tỉnh tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDMN, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Tính đến năm học 2022-2023, toàn tỉnh hiện có 180 trường mầm non (MN), mẫu giáo công lập, với 1.519 nhóm, lớp; 19 trường MN và 68 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập, trong đó có 2 trường và 8 nhóm, lớp tư thục độc lập tại 2 khu công nghiệp (KCN). Để thúc đẩy phát triển GDMN, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về ưu tiên xã hội hóa (XHH) phát triển GDMN, tiến hành quy hoạch đất để xây dựng và mở rộng cơ sở GDMN gắn liền với phát triển KCN, cụm công nghiệp và quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn. Ngành GD&ĐT đã rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu gửi trẻ so với mạng lưới trường, lớp MN ở huyện, thành phố hiện có, đặc biệt là KCN nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập như: Thực hiện chế độ cho thuê đất thành lập trường MN, tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay và thủ tục hành chính để xây dựng cơ sở vật chất cho thuê với mức phí ưu đãi (hình thức đối tác công tư PPP - Public Privite Partner). Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 1.544 phòng học, đạt tỷ lệ 1 phòng học/lớp, trong đó gần 85% phòng kiên cố. Tỉnh vẫn đang đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra lớp theo lộ trình của kế hoạch phát triển GDMN tỉnh. Hệ thống trường lớp ngoài công lập phát triển, có 19 trường với 67 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập với trên 6 ngàn trẻ em, tỷ lệ 14% trong tổng số trẻ đến trường, lớp.

Thực hiện Nghị định số 105/NĐ-CP về chính sách phát triển GDMN, Sở GD&ĐT tham mưu giúp UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thực ở địa bàn có KCN. Việc triển khai thực hiện đã tạo điều kiện cho cấp học GDMN giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở GDMN độc lập.

Hiệu trưởng Trường MN KCN Giao Long Nguyễn Vương Thủy Tiên cho biết: “Hầu hết phụ huynh các trẻ của trường đều là công nhân lao động, thu nhập không cao nên việc XHH cũng hạn chế. Chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, các cơ sở MN đã có thời gian dài đóng cửa”.

Tính đến đầu tháng 10-2022, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 8 cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục đủ điều kiện ở địa bàn có KCN, với tổng kinh phí 160 triệu đồng. Thực hiện chính sách đối với trẻ em MN là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN, với mức hỗ trợ 160 ngàn đồng/trẻ/tháng. Tỉnh đã chi gần 19 triệu đồng cho 314 trẻ.

Một số khó khăn cần tháo gỡ

Đánh giá tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhìn nhận, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp MN tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Các KCN, khu đô thị đông dân cư vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp. Đầu tư cho GDMN tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách hạn hẹp của Nhà nước và mới chỉ tập trung cho các cơ sở GDMN công lập.

Các ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra thu nhập của giáo viên MN, nhất là của giáo viên MN ngoài biên chế, nhân viên nuôi dưỡng hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, chưa tương xứng với cường độ lao động và tính chất công việc. Đồng thời, mức hỗ trợ chính sách đối với trẻ em và giáo viên MN còn thấp.

Thực tế tại tỉnh, thực hiện chủ trương XHH giáo dục, đặc biệt là GDMN, tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng phát triển hệ thống trường MN ngoài công lập. Tuy nhiên, khi thực hiện hồ sơ thủ tục thành lập và xây dựng trường tư thục theo hướng kinh doanh dịch vụ giáo dục trên phần đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm do tổ chức, cá nhân đứng tên quyền sử dụng đất thì thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất “xây dựng cơ sở GD&ĐT”.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến cho biết: Có nhiều tổ chức, cá nhân hủy dự án đầu tư vì quy định này. Bởi, không đồng ý chuyển đất đang đứng quyền sử dụng sang đất giáo dục. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh không phát triển được loại hình trường ngoài công lập. Nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất này được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 và tại điểm a, khoản 6, Điều 6 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở GD&ĐT được ghi nhận trên giấy chứng nhận là “Đất đai xây dựng cơ sở GD&ĐT”.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển GDMN, thời gian qua, HĐND tỉnh thực hiện nhiều cuộc giám sát, kịp thời nắm bắt khó khăn để có kiến nghị cấp thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh Luật Đất đai để phù hợp thực tiễn và giúp địa phương thực hiện tốt chủ trương XHH. Chính phủ có cơ chế riêng về bố trí ngân sách đối với cấp học GDMN trong nội dung xây dựng mới trường lớp, nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ theo mục tiêu Chiến lược phát triển GDMN giai đoạn 2018 - 2025 và thực hiện Đề án phổ cập GDMN từ năm 2023 đến năm 2030; có chính sách hỗ trợ xây dựng trường, lớp các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan xem xét, trình Chính phủ bổ sung đối tượng được hưởng chính sách là con công nhân, người lao động làm việc tại cụm công nghiệp.

“Lãnh đạo các địa phương chú trọng thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp MN phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương, có chính sách phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Tăng cường quản lý và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở GDMN ngoài công lập. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn. Ngành GD&ĐT các địa phương cần tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện đúng, đủ các quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP đối với trẻ em, giáo viên MN và các chính sách hỗ trợ GDMN ở khu vực có KCN theo quy định”.

(Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN