Huy động hơn 4.200 tỷ đồng thực hiện tín dụng chính sách xã hội

24/05/2024 - 19:32

BDK.VN - Đề án “Tập trung huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre” năm 2024 đưa ra mục tiêu, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình TDCSXH đến cuối năm 2024 đạt 4.271,58 tỷ đồng. Nguồn vốn nhằm hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh giải ngân vốn cho người dân tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam.

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh giải ngân vốn cho người dân tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam.

Vốn để phát triển sản xuất

Ngày 16-5-2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tập trung huy động nguồn lực thực hiện TDCSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre” năm 2024. Các mục tiêu cụ thể mà đề án đưa ra gồm: Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình TDCSXH đến cuối năm 2024 đạt 4.271,58 tỷ đồng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH: ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Nguồn vốn ủy thác địa phương sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 334,67 tỷ đồng (tương đương gần 7,83% tổng nguồn vốn).

Thực hiện tốt các chương trình TDCSXH được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng, đối tượng thụ hưởng do địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp; tăng trưởng tín dụng đạt tối thiểu 10%/năm.

Giải quyết cho 47.225 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Trong đó, 2.052 hộ nghèo, 3.015 hộ cận nghèo, 1.800 hộ mới thoát nghèo, 3.200 hộ gia đình học sinh sinh viên, 22.000 hộ vay xây công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 11.000 lao động tạo việc làm tại địa phương, 550 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 3.400 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 88 thương nhân vùng khó khăn và 120 người vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,14%/tổng dư nợ.

Nỗ lực tăng vốn ủy thác

Tỉnh quan niệm, đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trước nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời, thực hiện tăng vốn để đạt mức theo mặt bằng chung của cả nước, năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu tăng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp tỉnh thêm 100 tỷ đồng.

Theo đó, kế hoạch nguồn vốn được cơ cấu như sau: Tổng nguồn vốn thực hiện TDCSXH trên địa bàn tỉnh là 4.271,58 tỷ đồng, tăng 460 tỷ đồng so năm 2023. Trong đó, nguồn vốn NHCSXH Trung ương 3.313,0 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 77,56% tổng nguồn vốn, tăng 300 tỷ đồng so với năm 2023.

Nguồn vốn huy động 623,9 tỷ đồng, chiếm 14,61% tổng nguồn vốn, tăng 30 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân 379,2 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2023; tiền gửi của tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn 244,7 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2023.

Nguồn vốn ủy thác tại địa phương 334,67 tỷ đồng, tăng 120 tỷ đồng so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 7,83% tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp tỉnh 252,55 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2023; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp huyện 73,77 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2023; nguồn vốn ủy thác từ các chủ đầu tư khác 8,35 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu đề án, tỉnh đã xác định các giải pháp, nhiệm vụ. Nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Công văn số 2447-CV/TU, Thông báo số 361-TB/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với tín dụng chính sách; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực từ ngân sách, từ vận động trong xã hội cho TDCSXH gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển dịch vụ, thương mại, phát triển giáo dục, tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch. Đồng thời, tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi.

Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, cuối năm 2023, toàn tỉnh có 21.061 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%. Trong đó, 10.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63% (giảm 0,87%, chưa đạt kế hoạch đề ra, kế hoạch là giảm 1%) và 10.461 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,59% (giảm 1,07%).

Thời gian qua, các chương trình TDCSXH thực hiện trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh đánh giá là: “Đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người nghèo và những cán bộ làm công tác giảm nghèo. Người nghèo không còn trông chờ vào sự trợ cấp của xã hội mà biết vay vốn làm ăn, biết quản lý vốn, sử dụng vốn hiệu quả, quen dần với tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội chuyển đổi cách tiếp cận người nghèo từ “cho cá” sang “giúp cần câu”, phát huy tính vượt khó vươn lên của bản thân người nghèo”. 

Về kế hoạch cho vay, thu nợ, theo đó, kế hoạch giải ngân vốn TDCSXH trên địa bàn tỉnh là 1.804 tỷ đồng, 47.225 khách hàng vay; thu nợ 1.344 tỷ đồng; dư nợ đạt 4.271,58 tỷ đồng, tăng 460 tỷ đồng so với năm 2023.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN