Nâng cao trách nhiệm toàn xã hội trong phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em

14/06/2024 - 05:21

BDK.VN - Hàng năm, vào mùa hè thường xảy ra tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Nguyên nhân do trẻ em đi lại trên các phương tiện giao thông thủy thô sơ của gia đình, tại các bến đò không được trang bị đầy đủ áo phao hoặc do tắm sông, tắm hồ dẫn đến tử vong. Trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, xe máy do người lớn chở, điều khiển xe đạp điện không đội  mũ bảo hiểm không may  xảy  ra  tai nạn, va chạm giao thông bị chấn thương sọ não... Những vụ tai nạn thương tâm này cũng có phần trách nhiệm của người lớn trong việc thiếu quan tâm, giám sát hoạt động vui chơi của trẻ em trong những ngày nghỉ hè

Dịp hè, phụ huynh quan tâm cho trẻ học bơi đề phòng đuối nước.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức - Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh kêu gọi nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Đặc biệt, tai nạn đuối nước và tai  nạn  giao  thông, bảo đảm cho trẻ em quyền được sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, với nội dung “Cảnh báo tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024” đến các em học sinh và các bậc phụ huynh trên địa bàn tỉnh biết và phòng tránh, nhằm hạn chế các vụ tai nạn thương tích cho các em tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Các ngành, các cấp và nhân dân nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tham gia phòng, chống tai nạn thương tích do va chạm giao thông và tai nạn đuối nước ở trẻ em, xây dựng một môi trường vui chơi, sinh hoạt an toàn cho trẻ em. Phòng ngừa, ngăn chặn tối đa không để xảy ra tai nạn đáng tiếc đối với trẻ em. Các  ngành,  các cấp có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước cho trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về an  toàn  giao  thông đường bộ, an toàn giao thông đường thuỷ.

Bên cạnh đó, cần trang bị, phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em khi bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên tại địa phương trong việc phòng, chống tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương.

Thực tế cho thấy, trẻ em khi bị tai nạn đuối nước được đưa vào bệnh viện đều chưa được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu ô xy. Do đó, việc sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật đối với trẻ em đuối nước là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống đối với trẻ không may có sự cố xảy ra.

Tùy  theo  chức năng, nhiệm  vụ,  các  ngành,  các  cấp  tại địa phương phối hợp cùng với nhà trường và gia đình tập trung thực hiện tốt hướng  dẫn  triển  khai,  thực  hiện  công  tác  phòng,  chống  tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường  công  tác  kiểm  tra,  rà soát  các  công  trình  thủy  lợi, các  bến thủy  nội địa, các  bến  khách  ngang  sông, nhằm  kịp  thời  phát  hiện  các  khu  vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo những nơi thường xảy ra tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước trẻ em.
Tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em. Kiểm tra chất lượng của phương tiện thủy phục  vụ hành  khách và trang  thiết  bị đảm  bảo  an  toàn  có liên  quan cho hành khách. Các hộ gia đình thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con em mình khi ngồi trên xe mô tô, xe máy và khi điều khiển xe đạp điện, máy điện phải đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng. Khi  tham  gia giao thông không được đùa  giởn,  dàn  hàng ngang,  lạng  lách, đánh  võng... Khi đi đò ngang  qua  sông  phải  mặc áo  phao; không tụ tập vui chơi, đùa giỡn trên các phương tiện ghe, xuồng không đảm bảo điều kiện an toàn của các hộ gia đình tại các vùng nông thôn.

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN